Nguồn hình ảnh, vnxpress
Dịch Covid đã khiến SEA Games 31 buộc phải hoãn lại tới tháng 5/2022.
SEA Games 31 chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ chính thức khai mạc nhưng có vẻ dư luận trong nước không mấy mặn mà với sự kiện này bất chấp năm nay nó được tổ chức ở Việt Nam.
Từ trước đến nay, SEA Games luôn là một trong những sự kiện thể thao được chờ đón nhất tại Việt Nam, tưởng chừng như SEA Games 31 được tổ chức tại chính Việt Nam sẽ càng đẩy sức nóng của sự kiện này lên cao hơn nữa, tuy nhiên mọi thứ có vẻ đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, những thông tin về đại hội thể thao diễn ra tại Hà Nội trong tháng 5 chưa nhận được nhiều sự quan tâm như những kỳ SEA Games trước, trên các diễn đàn mạng xã hội, lác đác chỉ có vài chủ đề lẻ tẻ bàn luận chủ yếu về U23 Việt Nam nhưng cũng không thu hút được nhiều tương tác.
Có không ít nguyên nhân lý giải cho thực tế trên, từ tác động của đại dịch, những lùm xùm trong khâu chuẩn bị cho SEA Games liên quan tới bộ nhận diện thương hiệu hay video bài hát chủ đề SEA Games, và cả việc bóng đá nam Việt Nam đã giải tỏa cơn khát vàng SEA Games hồi năm 2019 cũng khiến một trong những chủ đề "hot" mỗi kỳ SEA Games nay đã hạ nhiệt đáng kể.
Theo đúng lịch trình, SEA Games 31 diễn ra vào tháng 11.2021 chứ không phải tháng 5.2022 như hiện tại, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng vào năm ngoái ở Việt Nam đã khiến SEA Games 31 buộc phải hoãn lại.
Tuy đã dời được SEA Games 31 từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 5 này nhưng với việc mọi hoạt động tại Hà Nội (địa điểm tổ chức chính) mới trở lại bình thường đôi ba tháng gần đây, quỹ thời gian chuẩn bị là vô cùng hạn hẹp, nhiều công đoạn chuẩn bị về địa điểm thi đấu, công tác hậu cần mới chỉ hoàn thành trong những tuần qua, số khác vẫn đang chạy đua với thời gian để kịp xong cho ngày khai mạc.
Những khó khăn, cập rập trong công tác chuẩn bị như vậy có thể là lý do khiến ban tổ chức SEA Games không có điều kiện đầu tư nhiều cho các hoạt động truyền thông, quảng bá, góp phần khiến SEA Games 31 chưa nhận được sự quan tâm như mong đợi, hay nói cách khác với ban tổ chức SEA Games hiện tại, việc đại hội diễn ra suôn sẻ đã là thành công lớn chứ không cần bàn đến khía cạnh nó có thu hút người hâm mộ hay không.
Đó là về phía ban tổ chức, còn đối với người dân, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền hậu Covid có lẽ khiến nhiều người không còn thời gian mà quan tâm đến SEA Games nữa.
Nguồn hình ảnh, Ảnh chụp màn hình
Cờ Phillpines bị treo ngược trong MV Hãy tỏa sáng – Let's Shine
SEA Games 31 chưa diễn ra nhưng quá trình chuẩn bị cho sự kiện này đã xuất hiện nhiều "hạt sạn", lùm xùm không đáng có khiến ban tổ chức mất điểm nghiêm trọng trong mắt dư luận.
Đầu tiên là tranh cãi nổ ra xung quanh bộ nhận diện thương hiệu hồi tháng ba, thời điểm ấy, khi bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31 được công bố, đã có nhiều tài khoản trên mạng xã hội chỉ ra đầy rẫy lỗi sai liên quan đến ngữ pháp tiếng Anh, sai chính tả, lỗi về màu sắc, hình ảnh, thiết kế.
Tuy nhiên, thay vì cầu thị tiếp nhận và khắc phục, ban tổ chức SEA Games lại chọn cách đối đầu với dư luận trái chiều, cho rằng những góp ý là "phiến diện, chưa hoàn toàn đúng" và thậm chí còn đánh sập tài khoản cá nhân của một facebooker đăng đàn chỉ ra những lỗi sai trong bộ nhận diện thương hiệu.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, mới cách đây hơn 10 ngày, ban tổ chức SEA Games 31 lại mắc tiếp một sai sót nghiêm trọng khi công bố video bài hát chủ đề "Hãy tỏa sáng" của đại hội, cụ thể trong video ca nhạc này, ban tổ chức đã treo nhầm cờ Philippines thời chiến.
Dù video này đã được gỡ xuống ngay sau đó để chỉnh sửa trước khi được đăng lại hôm 29.4, song sai sót này cũng như cách ứng xử thiếu khôn ngoan trong câu chuyện bộ nhận diện thương hiệu đã khiến ban tổ chức SEA Games vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội cũng như khiến người ta có thêm lý do để không còn quan tâm nhiều đến đại hội thể thao này nữa.
Câu chuyện "săn vàng" của các đội tuyển bóng đá nam Việt Nam luôn là một thứ gia vị đặc trưng khiến người Việt Nam ngóng chờ mỗi kỳ SEA Games.
Tuy nhiên, với việc U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã xuất sắc giành tấm huy chương vàng lịch sử tại SEA Games 30, cơn sốt của U23 Việt Nam nói riêng và SEA Games 31 nói chung năm nay cũng hạ nhiệt đáng kể.
Tất nhiên, U23 Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm nhất định đến từ nhiều yếu tố khác, như việc người ta sẽ chờ đợi HLV Park ứng biến kiểu gì với một đội Việt Nam không còn Quang Hải cũng như các đồng đội tài năng cùng lứa với mình chẳng hạn; tuy nhiên không thể phủ nhận rằng với một bộ phận đáng kể người hâm mộ Việt Nam hiện tại, thành bại của U23 Việt Nam tại SEA Games sắp tới không còn quá quan trọng nữa.
Gần 20 năm trước, SEA Games 22 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam đã tạo nên một bầu không khí sôi nổi, hào hứng khắp cả nước, đó là thời điểm mà nền thể thao Việt Nam mới trong thời kỳ đầu hội nhập trở lại với thể thao khu vực và SEA Games 22 như một cú hích cho bước chuyển mình của chúng ta.
Nền thể thao Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, còn SEA Games sau ngần ấy năm thì vẫn vậy, dậm chân tại chỗ và thường bị ví von là giải "ao làng" vì nhiều bất cập cứ tồn tại mãi từ năm này sang năm khác.
Một trong những bất cập khiến người ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán là cứ hễ nước nào chủ nhà thì lại tìm cách đưa những môn thi đấu thế mạnh của mình vào bất chấp nó có phổ biến hay không, rồi tình trạng thiên vị chủ nhà của trọng tài, thậm chí phản cảm như việc trao HCV cho VĐV Malaysia chỉ tìm cách bỏ chạy trong suốt một trận chung kết Pencat Silat tại SEA Games 29.
Rõ ràng, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thể thao Việt Nam trong bối cảnh SEA Games vẫn còn đầy rẫy những yếu tố bất công, tiêu cực là một phần nguyên nhân quan trọng khiến người hâm mộ Việt Nam giờ đây không còn nhiều lý do để quan tâm và đặt nặng sân chơi này nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
© 2022 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài