Võ Văn Hạnh, thủ môn đầu tiên giành Quả bóng vàng Việt Nam trong lịch sử đã lựa chọn ra những cầu thủ hay nhất từng gắn bó với mình ở V.League.
Bóng đá Việt Nam ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI sản sinh ra nhiều thủ môn nổi bật. Nhưng xuất chúng nhất trong số những người gác đền cùng thời phải kể đến Võ Văn Hạnh. Năm 2001, anh giành Giải Quả bóng Vàng Việt Nam, qua đó trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có được danh hiệu cao quý này.
Võ Văn Hạnh cũng có quãng thời gian thành công rực rỡ với những chức vô địch quốc gia liên tiếp. Trong các năm 2000 và 2001, Võ Văn Hạnh trong vai trò thủ môn số 1 đã cùng SLNA đăng quang. Rời SLNA để cập bến HAGL với mức lương lên tới 15 triệu đồng/tháng, Văn Hạnh lại vô địch V.League các năm 2003 và 2004. Hiếm có một thủ môn nào của Việt Nam, thậm chí là không một ai giành 4 chức vô địch quốc gia trong 5 năm liền như Văn Hạnh.
Đến bây giờ, cái tên Phạm Minh Đức vẫn nổi danh trong vai trò HLV. Trước khi khẳng định tên tuổi với tư cách HLV trưởng các đội trẻ và gần đây dẫn dắt Hà Tĩnh tại V.League, ông Phạm Minh Đức được mệnh danh như cơn lốc đường biên trong giai đoạn hoàng kim tại HAGL.
Ông cùng Phi Hùng, Sỹ Hùng, Kiatisuk, Tawan, Dusit… tạo nên thời kỳ hoàng kim tại sân Pleiku bằng các chức vô địch quốc gia ở mùa giải 2003, 2004. “Thương hiệu” Minh Đức với phong cách thi đấu máu lửa, nhiệt huyết cùng những pha lên công, về thủ nhịp nhàng của hậu vệ biên lừng lẫy trong những năm đầu kỷ nguyên V.League.
Rời Thể Công, đội bóng được xem là mơ ước với bất cứ cầu thủ Việt Nam nào trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, trung vệ bị gán với định kiến lắm tài nhiều tật bị thu hút bởi tham vọng của bầu Đức nên quyết định lên thi đấu cho HAGL. Cũng bởi việc được thi đấu trong một tập thể đẩy ngôi sao, động lực tưởng chừng như đã mất nơi Dũng “Giáp” hồi sinh.
Trung vệ này thi đấu ấn tượng và trở thành mảnh ghép quan trọng giúp HAGL vô địch V.League các năm 2003 và 2004. Chính Dũng “Giáp” cũng được người hâm mộ thừa nhận trở lại với tài năng đích thực tến sân cỏ.
Lương Trung Tuấn à cầu thủ Việt Nam đầu tiên và từng là cầu thủ duy nhất chơi cho một câu lạc bộ của Thái Lan – Thai Port trước khi Michal Nguyễn xuất ngoại vào năm 2018. Trước đó, Trung Tuấn đã sớm khẳng định được tài năng của mình ở đội bóng Trà Vinh trong vai trò của một trung vệ. Với lối chơi tỉnh táo, sắc lạnh và những pha lấy bóng đĩnh đạc, Trung Tuấn sớm thể hiện được tài năng thiên phú của mình. Trong suốt quãng đời cầu thủ của mình, Trung Tuấn đã thi đấu cho nhiều đội bóng nhưng tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với CLB bóng đá Cảng Sài Gòn và HAGL.
Nửa cuối “thế hệ vàng” đội tuyển Việt Nam (cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000), có tên Quang Trãi. Khi ấy, Trãi mới chỉ ngoài đôi mươi, đá cùng những Văn Sỹ, Trung Tuấn, Huỳnh Đức và đương nhiên cả với đàn anh Công Minh…, ở SEA Games, cũng như AFF Cup (với tiền thân là Tiger Cup).
Việc Quang Trãi chuyển từ Đồng Tháp lên phố núi Gia Lai để gia nhập đội hình trong mơ của bầu Đức bị người hâm mộ Cao Lãnh gọi là “kẻ phản bội”, “tham tiền bỏ ngãi”. Bây giờ, chính người yêu bóng đá Đồng Tháp lại lấy lão tướng này ra làm một tấm gương để chỉ dạy cho thế hệ cầu thủ trẻ. Suốt quãng thời gian chơi bóng ở Đồng Tháp rồi chuyển từ HAGL xuống ĐTLA và qua Cần Thơ, Quang Trãi chưa bao giờ để lại điều tiếng về đời tư, điều mà không phải cầu thủ Đồng Tháp nào ra đi cũng có được. Nhắc đến Quang Trãi, người ta chỉ biết đó là một cầu thủ cần mẫn trên sân bóng, quảng giao ngoài xã hội và đặc biệt là một người nghiêm túc, biết lo lắng cho gia đình, chăm lo tốt 2 con nhỏ.
Giống như phần lớn ngoại binh đổ bộ vào V.League trong giai đoạn đầu những năm 2000, Nguyễn Rogerio cũng xuất thân từ bóng đá đường phố. Năm 2003, thông qua sự giới thiệu của "siêu cò" Mauro Omzuka, cầu thủ gốc Brazil quyết định sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội chơi bóng.
Nhìn cái cách Rogerio thể hiện trên sân bóng, người ta có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh của một chàng công nhân chăm chỉ, một chú ong thợ cần mẫn. Mạnh ở khoản thu hồi bóng, song kỹ thuật cá nhân của anh cũng chẳng kém bất kỳ tiền vệ tấn công hay tiền đạo nào.
Nguyễn Văn Đàn là cái tên không mấy xa lạ với người yêu bóng đá Gia Lai. Văn Đàn là cầu thủ gốc Nghệ An, sinh ra ở Bình Định nhưng trưởng thành từ mảnh đất Gia Lai nắng gió từng là thần tượng số 1 ở sân Pleiku hơn 20 năm về trước. Khi còn chơi ở hạng Nhất, Văn Đàn là sát thủ nổi bật nhất của HAGL với mái tóc nhuộm vàng khó lẫn vào đâu được. tiền vệ này chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của CĐV Gia Lai mỗi khi đội nhà thi đấu tại Pleiku.
Đến khi bầu Đức tiếp quản biến Gia Lai thành thương hiệu HAGL trở thành cái tên lừng lẫy trên bản đồ bóng đá cả nước, Văn Đàn cũng chính là thành viên trong tập thể “DREAM TEAM” thành công bậc nhất lịch sử CLB. Văn Đàn cùng Kiatisak, Minh Hải… là những ngôi sao tấn công thượng hạng một thời ở HAGL và V.League. Anh cũng là một trong số ít thành viên Gia Lai thành danh còn sót lại sau thành công thuở đó.
Gần đây người ta lại nhắc đến Dusit, với thành công ông có được trong vai trò HLV trưởng tại Pathum United ở Thai League. Nhưng trong sự nghiệp cầu thủ, Dusit đã sớm khẳng định được mình với hàng loạt chiến tích tại HAGL bao gồm 2 chức vô địch V.League và 2 Siêu cúp Quốc gia các năm 2003, 2004. Mới đây, Dusit cũng được CĐV HAGL bình chọn trong đội hình yêu thích nhất lịch sử của CLB.
Iddi Batambuje gia nhập SLNA ở mùa giải 2001, mùa giải đầu tiên các đội bóng tại V.League được phép sử dụng cầu thủ ngoại trong đội hình. Không ngoa khi nói rằng, sự xuất sắc của Iddi Batambuje ở vị trí tiền vệ trung tâm đã góp phần giúp SLNA giành chức vô địch tại V.League 2001, chức vô địch thứ 2 liên tiếp của đội bóng xứ Nghệ tại giải đấu danh giá nhất Việt Nam.
Anh là cầu thủ sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, kỹ thuật cá nhân cơ bản và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Danh hiệu Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất tại V.League 2001 là minh chứng rõ ràng cho sự xuất sắc của cựu tiền vệ SLNA và Đà Nẵng.
Chuyển đến HAGL từ SLNA khi đã 32 tuổi, nhiều người cho rằng Văn Sỹ Hùng đã lựa chọn bước đi tiếp theo của đời cầu thủ quá muộn màng ở năm 2002. Nhưng mọi người đã sai lầm khi vội vã nhận định như thế. Đồng hành với người đàn anh từ SLNA cho đến HAGL, thủ môn Võ Văn Hạnh hiểu rõ đẳng cấp của Văn Sỹ Hùng cao như thế nào ở giai đoạn ấy của bóng đá Việt Nam. Sự nhanh nhẹn, kỹ thuật, khôn ngoan từ Văn Sỹ Hùng góp công lớn để SLNA và sau đó là HAGL thống trị bóng đá Việt Nam từ giai đoạn 2000 – 2004.
Kiatisuk là huyền thoại của HAGL. Năm 2003, bầu Đức phải cất công sang tận Thái Lan để mời bằng được Kiatisuk, ngôi sao hàng đầu của Đông Nam Á chịu về phố Núi. Kiatisuk nhận mức độ cao khủng khiếp Đông Nam Á khi đó tại HAGL. Bầu Đức cũng không tiếc tay đãi ngộ ông trong mọi chế độ.
Đáp lại mức lương hậu hĩnh ấy, Kiatisuk là mảnh ghép quan trọng giúp HAGL vô địch V.League các năm 2003 và 2004. Không dừng lại ở đó, sự xuất hiện của Kiatisak là cú hích lịch sử khẳng định thương hiệu và tham vọng của HAGL. Kiatisuk là mẫu tiền đạo khôn ngoan, biết chiếm khoảng trống và tận dụng tốt cơ hội. Điều đó giúp cho ông có một giai đoạn dài là huyền thoại trên hàng công của bóng đá Đông Nam Á.