Trở lại trang chủ
Xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ suy yếu trong năm 2023 do cầu thế giới suy yếu. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Fitch, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng được dự báo đạt 2,5% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Hai nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ là Amazon và Walmart đã công bố kết quả kinh doanh Q3/22 kém khả quan. Doanh thu và lợi nhuận ròng của Amazon trong Q3/22 lần lượt giảm 15,4% so với cùng kỳ và 9,6% so với cùng kỳ, trong khi Walmart ghi nhận khoản lỗ ròng 1,7 tỷ USD trong Q3/22.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện một phần tình trạng xuất nhập khẩu đang chậm dần đi của Việt Nam do suy thoái toàn cầu.
Theo tờ Financial Times, các thành phố của Trung Quốc đã đẩy nhanh việc nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt trong cuối tuần qua. Thành phố Thẩm Quyến và Thượng Hải đã bỏ yêu cầu người đi làm phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR để di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng. Trước đó, Thiên Tân, Thành Đô và Trùng Khánh cũng có động thái tương tự.
Ở Bắc Kinh, một số khu chung cư cho phép cư dân được cách ly tại nhà, thay vì ở cơ sở cách ly tập trung, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Điều này đánh dấu sự nới lỏng đáng kể biện pháp hạn chế tại các khu dân cư ở thủ đô Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đạt giá trị 147,1 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nhập khẩu 100,1 tỷ USD tăng 12% so với năm 2021 từ Trung Quốc và xuất khẩu sang lục địa này 47,08 tỷ USD tăng 6% so với năm ngoái.
Các mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều nhất gồm điện thoại các loại và linh kiện giá trị xuất khẩu 12,99 tỷ USD chiếm 25,7% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giá trị 9,81 tỷ USD tăng 12,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 3,3 tỷ USD tăng 28,4%; giày dép các loại đạt 1,27 tỷ USD tăng 8,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,83 tỷ USD tăng 48,4%; Thủy sản đạt 1,35 tỷ USD, tăng 82,1%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập từ Trung Quốc nhiều nhất các mặt hàng gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc là 20,6 tỷ USD, tăng 17,7%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 10 tháng/2022 với trị giá là 20,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam trong 10 tháng/2022, chiếm tỷ trọng 53%, với 12,03 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đang là một biến số nhưng việc mở cửa đại lục này được đánh giá sẽ là cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
Trong suốt giai đoạn năm 2015-2021, người Trung Quốc chiếm trung bình 29.5% trong cấu phần lượng khách du lịch sang Việt Nam hàng năm. Kể cả trong giai đoạn 2 năm COVID-19, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm cấu phần lớn, lần lượt là 34.1% và 43.5% trong hai năm 2020 – 2021. Các con số này cho thấy, Trung Quốc đóng góp một phần khá lớn vào hoạt động kinh ngành nghề du lịch và ăn uống tại Việt Nam.
Xét trên giai đoạn 9 tháng đầu năm, trong năm 2022, với chính sách đóng cửa của biên giới của Trung Quốc, số lượng khách du lịch suy yếu và giảm xuống chỉ còn chiếm 3,0% trong tổng số lượng khách du lịch đến Việt Nam, trong khi tỷ lệ này trung bình đạt 29,9% trong giai đoạn 2015- 2021.
Xét về giá trị lũy kế của ngành dịch vụ, mặc dù giá trị mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống đã hồi phục gần như trở lại giai đoạn trước COVID-19 nhưng dịch vụ lữ hành vẫn còn cách một khoảng khá xa. Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2022 ước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn chưa thể hồi phục trở lại mức 2019 là 34 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích thuộc Chứng khoán BSC, lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sẽ giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2022 và 2023.
Ngoài ra, đội ngũ phân tích của BSC cũng kỳ vọng một số nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa gồm ngành tiêu dùng, lượng thực và chăn nuôi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi vấn đề tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc được giải quyết. Ngoài ra, các doanh nghiệp có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể khi nhu cầu phục hồi như nhóm xuất khẩu lúa gạo.
Ngành hàng không cũng sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi. Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Cụ thể, Sản lượng khách du kịch đến từ Trung Quốc chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước dịch.
Ngành cá tra cũng hưởng lợi khi Trung Quốc luôn thuộc nhóm thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất, việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần ba năm dịch khiến nhu cầu bị kiềm nén trong khi tồn kho ở mức thấp. Do đó, BSC kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao giúp cả ngành cá tra tăng trưởng.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng khi Trung Quốc mở cửa, việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử & linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050