Khác với những năm trước đây, năm 2023 sẽ chứng kiến tới hai mùa giải V.League diễn ra. Ngoài vấn đề chuyên môn, tình hình tài chính câu lạc bộ (CLB) và cách thức thanh toán lương thưởng với cầu thủ luôn khiến những thương vụ chuyển nhượng tại V.League diễn ra theo tình huống khó lường.
“Ngoằn ngoèo” như cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
Kết thúc mùa giải 2022, hàng loạt cầu thủ HAGL chính thức trở thành người tự do. Họ được phép tự ra đi tìm bến đỗ mới, và phần lớn đã dần xác định điểm đến. Nhưng cái cách cầu thủ HAGL chốt hạ hợp đồng cũng cho thấy tâm lý của họ luôn dao động giữa lời chào mời và cam kết thực sự của những người điều hành CLB.
Chuyện Lương Xuân Trường nhận lời, từ chối, rồi lại nhận lời Hải Phòng cho thấy phần nào sự phức tạp của chuyển nhượng V.League với cầu thủ HAGL. Ban đầu anh bỏ qua đề nghị của Hải Phòng để tới Khánh Hòa vì đội bóng phố biển hứa trả trước một lúc 4 tỷ tiền lót tay. Nhưng rốt cục, Xuân Trường có vẻ vẫn nghiêng về Hải Phòng khi đội bóng này chào mời anh hợp đồng kéo dài 3 năm.
Không phải cầu thủ HAGL nào cũng xác định trước mục tiêu sang Nhật Bản thi đấu như Công Phượng, hoặc tiếp tục gắn bó lâu dài với CLB giống Tuấn Anh. Văn Thanh, Hồng Duy từng được chào mời ký hợp đồng với Viettel. Sau đó lại có tin bộ đôi này đến Nam Định, Hải Phòng. Tình trạng nhiễu thông tin luôn xuất hiện.
Xét về mặt tiềm lực của doanh nghiệp và địa phương hậu thuẫn, CLB Viettel không có đối thủ ở V.League. Nhưng kể từ ngày giành chức vô địch quốc gia, đội bóng này dường như không còn bạo chi nữa. Họ lần lượt để Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc ra đi trong 2 năm, cho thấy mọi thứ có thể xảy ra ở V.League.
Khác với CLB Viettel, Nam Định lại trong quá trình hồi sinh với hàng loạt tân binh đáng chú ý. Họ đã chiêu mộ nguyên một đội hình với Nguyên Mạnh, Hữu Tuấn, Minh Tuấn, Trọng Đại, Văn Khánh, Khắc Ngọc. Nhưng nếu muốn đầu quân cho đội bóng này, Văn Thanh và Hồng Duy hẳn sẽ phải nghiên cứu câu chuyện Alexander Đặng.
Là một trong những cầu thủ Việt kiều xuất sắc nhất thời điểm hiện tại, Alexander Đặng gần như đã nhận lời đầu quân cho Nam Định sau thời gian thử việc. Nhưng sau tất cả, tiền đạo xuất sắc này vẫn khăn gói trở lại châu Âu. Lý do bởi đôi bên không đạt được thỏa thuận về cách thức thanh toán. Họ không muốn trả toàn bộ tiền lót tay trong 1 lần như Alexander Đặng yêu cầu.
Hứa một đằng, làm một nẻo
Huỳnh Quang Thanh là một thành viên của thế hệ vàng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, và sự nghiệp của anh cũng trải qua không ít thăng trầm. Phải đến khi giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện, Quang Thanh mới dám tiết lộ anh từng có thời điểm gần như đã nhận lời đầu quân cho Thanh Hóa. Anh chỉ “quay xe” khi thấy những gì mình nhận không như lời hứa hẹn.
“Khi tôi hết hợp đồng với Bình Dương, bầu Đệ có gọi điện cho tôi. Ông nói CLB Thanh Hóa sẵn sàng trả tôi mức lương 50 triệu đồng/tháng kèm lót tay 1,4 tỷ đồng/năm, trả trước 500 triệu đồng”, Quang Thanh nói. Hậu vệ cánh này thậm chí đã tự bỏ tiền mua vé máy bay ra Thanh Hóa gặp bầu Đệ, cũng như ngồi uống bia nói chuyện với hội cổ động viên xứ Thanh.
Mọi thứ diễn ra rất ổn với Quang Thanh cho đến khi anh chuẩn bị ký kết. Hợp đồng này ghi mức lương của Quang Thanh chỉ có 40 triệu đồng/tháng. Phía Thanh Hóa cũng chuẩn bị trước vỏn vẹn 250 triệu lót tay cho anh, bằng một nửa con số họ nói trước đó. Cảm thấy có điều gì đó không ổn, Quang Thanh từ chối ký hợp đồng. Cuối cùng, anh đầu quân cho Long An.
Cũng từ chối đến một đội bóng sau khi đã nhận lời, nhưng trường hợp của Nguyễn Hải Huy phức tạp hơn nhiều. Không giống như Quang Thanh, Hải Huy đã ký hợp đồng giấy trắng mực đen với CLB TP. Hồ Chí Minh, thậm chí nhận trước một số tiền lót tay. Điều đó khiến Hải Huy ở thế yếu khi CLB TP. Hồ Chí Minh muốn kiện anh ra tòa vì vi phạm hợp đồng ký kết.
Để mua lấy tự do, Hải Huy chấp nhận bỏ ra 500 triệu đồng tiền đền bù phá vỡ hợp đồng. Bến đỗ mới của anh là Hải Phòng cũng hỗ trợ cầu thủ này thêm 500 triệu đồng nữa. Theo lời Hải Huy, 1 tỷ đồng không phải số tiền nhỏ, nhưng nó giúp anh có điều kiện thi đấu gần gia đình hơn. Anh chỉ mất 1 giờ đồng hồ chạy xe để từ đại bản doanh CLB Hải Phòng về thăm nhà ở Hạ Long.
Bên cạnh lý do thi đấu gần nhà, có một chi tiết khiến Hải Huy nhất quyết cự tuyệt CLB TP. Hồ Chí Minh khi nhận đề nghị từ Hải Phòng. Là người từng trải qua 1 thập niên thăng trầm cùng bóng đá Quảng Ninh, Hải Huy đã tìm mọi cách bám trụ lại đội bóng đất Mỏ. Sau cùng, anh và nhiều cầu thủ khác lâm vào cảnh thất nghiệp, không biết tìm ai để đòi tiền CLB nợ lương thưởng.
Quyết định “quay xe” của Hải Huy sau đó đã đúng. 1 tỷ đồng giúp anh đến Hải Phòng và có một trong những mùa giải thăng hoa nhất sự nghiệp. Trong khi đó, CLB TP. Hồ Chí Minh lao đao vì biến động ở thượng tầng đội bóng. Họ đã liên tiếp thay chủ tịch đội và huấn luyện viên trưởng trong 1 năm, cũng như thanh lý hàng loạt cầu thủ để tái cấu trúc quỹ lương.
Câu chuyện của Quang Thanh và Hải Huy cho thấy cầu thủ Việt Nam đôi lúc phải phá vỡ chữ tín của bản thân vì miếng cơm manh áo. Họ chỉ có cơ hội ký hợp đồng tiền tỷ một, hai lần trong đời, do đó tất cả phải cân nhắc trước khi đưa ra một lựa chọn an toàn nhất. Bến đỗ mới có thể không cam kết trả nhiều như các đội bóng khác, nhưng họ phải trả đúng, trả đủ tiền.
Nghịch lý của “ốc đảo” bóng đá
Có thời điểm, Hải Phòng được ví như “ốc đảo” của bóng đá Việt Nam vì mô hình vận hành đi ngược lại tiến trình phát triển chung. Họ gần như không có tuyến cầu thủ trẻ, hệ thống đào tạo rất sơ sài. Sau 2 gương mặt tiêu biểu là Văn Toản và Trọng Hiếu, bóng đá Hải Phòng gần như không có ai chen chân vào đội 1 nữa.
Kể từ ngày nhận vị trí Chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Văn Trần Hoàn đã có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng lại tuyến cầu thủ trẻ Hải Phòng. Nhưng điều đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Ở mùa giải vừa qua, nòng cốt của đội bóng thành phố Cảng vẫn là đi mượn từ HAGL, Hà Nội, cũng như chiêu mộ cầu thủ tự do, lắp ghép thành một đội hình.
John Maynard Keynes, Kinh tế gia vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Trong dài hạn thì ai cũng chết. Trước khi nghĩ đến lợi ích dài hạn, chúng ta cần có giải pháp để tồn tại trong ngắn hạn”. So với việc đào tạo cầu thủ trẻ, cách thức mượn và mua “hàng dạt” từ những đội bóng khác rõ ràng hợp lý hơn, lại mang về hiệu quả tức thì cho CLB Hải Phòng.
Xét tổng quan các CLB V.League, nguồn cầu thủ của các đội bóng rất khác nhau. Hà Nội, HAGL, Sông Lam Nghệ An là những CLB luôn “thừa” người, do đó họ phát sinh nhu cầu đẩy cầu thủ sang các đội bóng khác theo dạng cho mượn. Bản thân các cầu thủ ở 3 đội bóng này cũng muốn đi sang đội khác để nhận đãi ngộ tốt hơn. Vì thế, Hải Phòng trở thành một mảnh ghép khớp vòng tuần hoàn.
Một vấn đề khác của bóng đá Việt Nam là chuyện hợp tan, giải thể của các đội bóng luôn diễn ra theo từng mùa giải. Khi Than Quảng Ninh biến mất trên bản đồ bóng đá, 25-30 cầu thủ của họ phải tìm đường ra đi. Nếu không có những CLB luôn tiếp nhận “hàng dạt” như Hải Phòng, số cầu thủ nói trên có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, sớm rời xa sân cỏ.
Cách làm bóng đá liệu cơm gắp mắm, sống với ngắn hạn của Hải Phòng không đáng lên án. Giữa hàng loạt CLB nổi lên, tiêu tiền như nước rồi giải thể, Hải Phòng vẫn đứng vững và góp phần xử lý tàn dư những đội bóng kia để lại.
Ngoại binh V.League “chạy sô” qua các câu lạc bộ
Kết thúc mùa giải V.League 2022, Vua phá lưới Rimario nói lời chia tay CLB Hải Phòng. Chân sút đã ghi tới 17 bàn thắng trong mùa giải 2022 rời đội bóng thành phố Cảng cùng với Moses, một trong những tiền vệ ngoại hay nhất lịch sử V.League. Có thông tin cho thấy Rimario và Moses rời Hải Phòng do đôi bên không tìm được thỏa thuận chung về lương thưởng trong hợp đồng mới.
Theo lời chủ tịch Văn Trần Hoàn, Hải Phòng có ngân sách hoạt động vào khoảng 100 tỷ đồng mùa 2022, một nửa trong số đó do thành phố hỗ trợ. Nhưng trước thềm mùa giải 2023, đội bóng này vẫn chưa dự trù được con số chi tiêu chính thức. Trong bối cảnh phải tham dự đấu trường AFC Champions League, Hải Phòng sẽ phải chi tiêu lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Việc chần chừ trong thỏa thuận với Rimario và Moses đã khiến Hải Phòng mất bộ đôi này. Đúng 1 ngày sau khi V.League 2022 khép lại, Rimario và Moses khoác áo CLB Bình Dương trong một trận giao hữu quốc tế. Nhưng điểm đến họ nhắm tới ở mùa giải 2023 khi ấy lại là “PSG Việt Nam”, CLB Bình Định.
HLV Nguyễn Đức Thắng xem Rimario và Moses là lựa chọn hoàn hảo cho 2 suất ngoại binh V.League mùa tới. Nhưng cuối cùng, họ buộc phải chia tay bộ đôi trên bởi CLB Bình Định gặp khó khăn về tài chính. Cuối cùng, Rimario và Moses chính thức cập bến Bình Dương theo bản hợp đồng 1 năm, thay vì 1 trận như ít ngày trước đó.
Giấy phép hoạt động báo chí số 08/GP-BTTTT, cấp ngày: 05/01/2021 của Bộ thông tin & Truyền thông
Tổng Biên tập: Thiếu tướng Phạm Khải
Phó Tổng Biên tập: Đại tá Trần Duy Hiển, Thượng tá Trần Hồng Thanh, Trung tá Phan Đăng Trường
Trụ sở Tòa soạn: Số 2A Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8222157 (máy lẻ 701).
Hotline: 0971.011944 – Email: candonline@gmail.com
Phát hành: 0944.634669
Quảng cáo: 0985.696305
Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh:
Số 6, Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3
0283.8241917
Văn phòng Thường trú tại Đà Nẵng:
Số 56 Lý Tự Trọng, Q.Hải Châu.
0236.3886594
Văn phòng Thường trú tại ĐBSCL:
Số 111 Trần Văn Hoài, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
0292.6250660
Văn phòng Thường trú Hải Phòng:
Số 16 Lê Đại Hành, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
0912.113521
Văn phòng Thường trú tại Tây Nguyên:
Số 61 Lê Thánh Tông, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
0934.738664
Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ:
Số 43A Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
0238.3551688