Với 34,25 tỷ USD, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tính theo tiêu chí hàng năm.
Đứng đầu trong thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam, giữ vị trí số một trong lĩnh vực bánh mỳ, bánh ngọt, quán quân trong mảng rượu chưng cất, chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bánh kẹo… chính là những thành quả mà các công ty Hàn Quốc đã đạt được tại Việt Nam trong năm 2022 vừa qua.
Báo Joongang ilbo dẫn số liệu thống kê do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng công bố đầu tháng 1 cho biết cán cân thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam trong năm 2022 đã ghi nhận thặng dư 34,25 tỷ USD.
Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tính theo tiêu chí hàng năm.
Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) và các ngành liên quan, các mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang Việt Nam là chất bán dẫn, màn hình phẳng và các sản phẩm dầu mỏ.
Cùng với đó là thực phẩm, thời trang và làm đẹp được coi là những lĩnh vực có đóng góp tích cực đồng thời giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Dẫn đầu trong ba lĩnh vực đồ ăn nhanh, thời trang, mỹ phẩm
Chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh Lotteria hiện đang vận hành 270 cửa hàng chỉ tính riêng tại Việt Nam, hiện đang là doanh nghiệp đứng đầu trong danh mục đồ ăn nhanh.
Doanh thu năm 2022 của Lotteria ước tính vượt 100 tỷ won, vượt qua cả thành tích của năm 2019, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Một lãnh đạo doanh nghiệp Lotteria cho biết: “Ở Việt Nam, Lotteria được biết đến là một nhà hàng gà rán ngon và thuộc phân khúc trung lưu.”
Tous les Jours của CJ Foodville hiện cũng đang có tổng cộng 38 cửa hàng tại Việt Nam, giữ vị trí số một trong số các tiệm bánh tại Việt Nam.
Sản phẩm soju của Hite Jinro năm 2021 cũng đứng ở vị trí thứ nhất tại thị trường rượu chưng cất Việt Nam.
Có thể nói, việc tập trung vực dậy doanh số và mở thêm cửa hàng mới tại 930 địa điểm bao gồm các siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi trong năm qua đã phát huy hiệu quả.
Vào tháng 2/2022, cửa hàng Jinro BBQ thứ 3 đã được khai trương tại khu vực Cầu Giấy, mang đến cho người dân địa phương trải nghiệm uống Jinro khi thưởng thức các món ăn Hàn Quốc.
Năm 2022, công ty con của Orion tại Việt Nam – Orion Vina cũng lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ won (khoảng 321,5 triệu USD) doanh thu hàng năm kể từ khi thành lập.
Chocopie vị dưa hấu, được tung ra nhắm vào thế hệ Z tại địa phương, đã đạt danh thu vượt quá 100 tỷ won.
Nếu so sánh với quy mô thị trường bánh kẹo Việt Nam trị giá 130 tỷ won, thì có thể dễ dàng nhận thấy Orion đang là doanh nghiệp áp đảo thị trường.
Ngoài thực phẩm, mỹ phẩm Hàn Quốc cũng rất phổ biến ở Việt Nam.
Theo truyền thông địa phương, các sản phẩm đến từ Hàn Quốc có thị phần cao nhất (30%) trong thị trường mỹ phẩm nhập khẩu Việt Nam, áp đảo hơn so với các sản phẩm từ Liên minh châu Âu EU (23%) hay Nhật Bản (17%), những quốc gia vốn có nhiều thương hiệu cao cấp.
Theo KITA, nhờ ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) năm 2020 xuất khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 230 triệu USD.
Innisfree, một thương hiệu của Amorepacific, được khách hàng Việt Nam bình chọn là hãng mỹ phẩm yêu thích số 1 trong số các thương hiệu trung cấp (masstige) địa phương.
Laneige cũng là một thương hiệu Hàn Quốc khác có số lượng người theo dõi (follower) về mảng làm đẹp đứng thứ 2 trên Tiktok Việt Nam.
Mặt khác, Amorepacific Việt Nam năm 2022 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng hơn 20% so với năm trước đó.
Thời trang Hàn Quốc cũng được quan tâm không kém tại thị trường Việt Nam.
Hazzys. thương hiệu của công ty thời trang LF, hiện đang có 7 cửa hàng tại Việt Nam bao gồm cả cửa hàng tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi (50%) so với năm 2021.
Thương hiệu thời trang nam Maestro cũng đang nhắm đến thị trường trang phục thường ngày cao cấp tại Việt Nam bằng cách khai trương cửa hàng mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2022, công ty thời trang và bán lẻ E-Land cũng chứng kiến doanh số bán hàng tại Việt Nam tăng hơn 10%.
Với 4 công ty pháp nhân tại Việt Nam, E-Land tạo ra 11.000 việc làm, sản xuất 28 triệu sản phẩm dệt kim hàng năm, thu về 300 triệu USD doanh thu vào năm 2022.
Một lãnh đạo E-Land cho biết: “Hiện nay đang là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền tảng trực tuyến chuyên về thời trang. Để có thể chiếm lĩnh thị trường, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng hoạt động của kinh doanh của mình tập trung vào thế hệ MZ tại địa phương bằng cách ra mắt nền tảng thời trang trực tuyến.”
Thị trường tiêu dùng trẻ đầy tiềm năng với khoảng 50 triệu người dưới 35 tuổi
KITA chi nhánh Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát với 956 người Việt Nam trưởng thành trong khoảng thời gian tháng 5-6 về các sản phẩm Hàn Quốc mà họ có ý định mua.
Những sản phẩm thu hút sự chú ý và khiến mọi người có ý định mua lần lượt là mỹ phẩm (37,9%), thực phẩm (27,7%), và điện tử (15,1%).
Khi được hỏi về các sản phẩm của Hàn Quốc có tiềm năng trong tương lai, những người trả lời khảo sát đã chọn mỹ phẩm (50,7%), sản phẩm điện tử (38,9%), thực phẩm (32,2%) và thực phẩm tốt cho sức khỏe (23,3%).
KITA đưa ra nhận xét “với dân số 100 triệu người và tăng trưởng kinh tế tích cực, Việt Nam không chỉ đóng vai trò là cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc mà còn là một trong những thị trường tiêu dùng phục hồi nhanh nhất kể từ sau dịch COVID-19.”./.
Đọc bài gốc tại đây.