Trở lại trang chủ
Ẩm thực được ví như “mỏ vàng” lớn để thu hút, hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế đến Việt Nam. Sức hấp dẫn của ẩm thực Việt đến từ nhiều nguyên liệu tự nhiên phong phú, sự đam mê của các đầu bếp khi chế biến và quan trọng là có sự kế thừa truyền thống, sáng tạo qua các thời kỳ. Du khách quốc tế yêu thích món ăn Việt bởi sự cân bằng mùi vị và hài hòa về dinh dưỡng, nhiều rau xanh, không chất béo, mỗi món lại có nước chấm riêng biệt theo vùng miền…
Mới đây, Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (World Culinary Awards) vừa công bố danh sách giải thưởng năm 2022 với nhiều hạng mục và hoạt động liên quan đến ẩm thực, F&B. Theo đó, Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng ở các hạng mục. Đó là giải thưởng Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022, Lễ hội ẩm thực đặc sắc nhất châu Á 2022, Nhà hàng tốt nhất châu Á 2022 và Nhà hàng – Khách sạn Fine Dining tốt nhất thế giới 2022.
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan…, Việt Nam được vinh danh là Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022. Theo ban tổ chức, Việt Nam sở hữu nền văn hóa ẩm thực đặc sắc với hương vị và cách chế biến đặc trưng. Ẩm thực nơi đây không chỉ là ở nhà hàng mà nó còn đến từ những “quán ăn” di động ở khắp hè phố. Qua đó, tinh thần ẩm thực Việt Nam len lỏi khắp mọi nơi và xứng đáng để du khách nước ngoài tìm hiểu, thưởng thức.
Trước đó, vào tháng 10/2022 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 100 quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất thế giới theo bình chọn của TasteAtlas. Chuyên trang ẩm thực này đã đưa Phở vào danh sách 100 món ăn ngon và nổi tiếng nhất thế giới. “Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng là một món ăn quốc dân, một món ăn đường phố và còn thể hiện phong cách sống của người Việt. Đây cũng là một trong những món ăn đặc biệt được ưa chuộng ở Tây Bán cầu, bởi sự cầu kỳ và hương vị độc đáo nhưng vẫn đem lại cảm giác đơn giản thanh tao”, trang TasteAtlas viết.
Chuyên trang du lịch nổi tiếng của Canada – The Travel cũng từng công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ năm. Trước đó, Việt Nam cũng được giới truyền thông quốc tế và các giải thưởng du lịch lớn dành nhiều lời ngợi khen, bình chọn.
Năm 2019, Giải thưởng du lịch thế giới đã trao giải cho Việt Nam: “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Đầu năm 2022, các chuyên gia ẩm thực của Kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn 4 món ăn Việt ngon nhất thế giới và khuyến khích du khách nên thử, gồm: Bánh cam, bánh mì, bánh bột lọc, phở bò. CNN cũng bình chọn ẩm thực của Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới.
Ngày 1/12 vừa qua, hệ thống đánh giá nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế Michelin cũng đã chính thức ra thông báo về việc ra mắt Cẩm nang Michelin Guide tại hai điểm đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều đầu bếp tầm cỡ thế giới như bếp trưởng người Anh Gordon Ramsay; cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain; đầu bếp người New Zealand Bobby Chinn (Đại sứ Du lịch Việt Nam tại châu Âu, từ năm 2014- 2017)… cũng đã làm nhiều việc thiết thực nhằm quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Những lời khen và các giải thưởng về du lịch dành cho ẩm thực Việt Nam những năm gần đây như lời khẳng định giá trị to lớn của ẩm thực trong việc quảng bá, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc nhiều lãnh đạo cấp cao, chính khách quốc tế đến Việt Nam thưởng thức các món ăn vỉa hè cũng tạo sức lan tỏa lớn với du khách trong và ngoài nước.
Điển hình như hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội vào năm 2016; Thủ tướng Canada Justin Trudeau thưởng thức cà phê sữa đá vỉa hè ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017; cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân thưởng thức món phở bò tại một quán phở ở Hà Nội vào năm 2018…
Nắm bắt lợi thế của ẩm thực trong việc quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách, những năm gần đây, nhiều địa phương đã chú trọng đến việc phát triển ẩm thực, quy hoạch và xây dựng “bản đồ ẩm thực” để thu hút du khách. Chẳng hạn, thành phố Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch foodtour, nhờ vào việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực để du khách có thể dễ dàng trải nghiệm ngắn ngày. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra nhiều trải nghiệm cho du khách thưởng ẩm thực cung đình…
Đánh giá về giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ẩm thực Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới, trong đó có nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế… Đây chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Không chỉ khách nước ngoài mà du khách nội địa rất yêu thích những trải nghiệm liên quan đến du lịch ẩm thực. Do đó, các đơn vị lữ hành đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, trang trại hay thậm chí tham gia các lớp nấu ăn, tour du lịch chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.
Bàn giải pháp phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cho rằng, các địa phương cần quy hoạch những khu phố ẩm thực với khung thời gian muộn hơn và tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp tới du khách. Còn Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang trước đó đã từng thông tin, sở sẽ làm việc với các địa phương để đánh giá, rà soát những cơ sở ăn uống đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm dịch vụ, từ đó sẽ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở để thuận tiện hơn trong việc quảng bá, thu hút du khách.
Có thể nói, khai thác giá trị ẩm thực cũng là một mục tiêu quan trọng của Đề án định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng đến một mục tiêu quan trọng là phấn đấu có từ một đến ba thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ẩm thực. Từ đó, ẩm thực trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách du lịch; gia tăng lợi ích cho đất nước.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050