Các công ty tài chính tiêu dùng rất cần có những giải pháp ứng phó và hỗ trợ khách hàng dài hạn, toàn diện.
Tác giả Hồng Dung thực hiện.
Thực tế, đa số người lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, công nhân… thuộc nhóm có sức chịu đựng kém là khách hàng chính của các công ty tài chính, cũng là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ vay do thu nhập giảm vì ảnh hưởng dịch, dẫn tới phát sinh nợ xấu. Ông có thể chia sẻ thực trạng hiện nay tại FE CREDIT?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, nhất là sau làn sóng Covid thứ 4, đã ảnh hưởng nhiều đến công tác triển khai kế hoạch kinh doanh của FE CREDIT nói riêng và các ngành nghề, doanh nghiệp khác trong nền kinh tế nói chung.
Dù là một trong những công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay, nhưng FE CREDIT cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng khi phần lớn khách hàng là những người lao động phổ thông, công nhân, buôn bán nhỏ… vốn có mức thu nhập thấp và có sức chịu đựng kém trước các biến động kinh tế, nay lại càng khó khăn để duy trì nguồn thu nhập trong mùa dịch.
Trong quý III/2021, các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng tại 19 địa phương khu vực phía Nam và nhiều địa phương khác có các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương (vốn là các thị trường trọng điểm của mảng tài chính tiêu dùng)… đã tác động rất lớn tới hoạt động cho vay cũng như công tác thu hồi nợ của FE CREDIT.
Trong bối cảnh đó, FE CREDIT đã chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo toàn năng lực tài chính, nguồn lực lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, với thực tế dịch bệnh đã diễn biến vượt rất xa khỏi dự đoán, cần nhìn nhận rằng khó tránh khỏi nguy cơ nợ xấu sẽ tăng, không chỉ tại các công ty tài chính, mà cả các ngân hàng cho vay tiêu dùng.
Cụ thể, FE CREDIT đã có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT
Thời gian qua, FE CREDIT không ngừng nỗ lực xây dựng chính sách lãi suất phù hợp với khách hàng cũng như hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, minh chứng là lãi suất ngày một giảm và rất nhiều khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi của Công ty. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có tới 400.000 khoản vay trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Để có được kết quả đó, FE CREDIT đã từng bước cải thiện năng lực quản lý chi phí vốn, quản lý rủi ro, chi phí hoạt động.
Đồng thời, FE CREDIT đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp giãn cách nhân viên, phân chia lịch làm việc tại nhà, tái cơ cấu hoạt động nhằm duy trì được năng suất, ổn định tâm lý làm việc và giữ gìn sức khỏe cho cả bộ máy nhằm hướng đến tăng trưởng ổn định và bền vững sau dịch. Theo đó, hầu hết hoạt động của FE CREDIT ở mức cầm chừng, dư nợ cho vay giảm nhẹ so với đầu năm.
Tuy nhiên, FE CREDIT vẫn giữ vững được an toàn thanh khoản và công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ, nhân viên bị ảnh hưởng dịch. Ngoài ra, việc VPBank ký kết thành công thỏa thuận bán vốn tại FE CREDIT cho đối tác Nhật Bản cũng gây một tiếng vang lớn trên thị trường, giúp tạo dựng tiền đề hợp tác, phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trong 9 tháng qua, nhiều ngân hàng vẫn công bố lợi nhuận khả quan trong khi nợ xấu cũng tăng mạnh, liệu câu chuyện tương tự có diễn ra tại các công ty tài chính và FE CREDIT? Trường hợp lợi nhuận giảm thì chiến lược của FE CREDIT sẽ thay đổi ra sao?
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài như hiện nay, việc lợi nhuận của FE CREDIT giảm đã sớm nằm trong kịch bản dự kiến của Ban lãnh đạo Công ty và là một phần trong chiến lược duy trì sự ổn định, tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Theo đó, chiến lược kinh doanh của FE CREDIT cũng được thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới và việc đầu tiên là điều chỉnh lại các sản phẩm cho phù hợp với thực tiễn thị trường, giữ liên lạc thường xuyên và thấu hiểu khó khăn của khách hàng để khi quay lại nhịp sống bình thường, khách hàng sẽ tiếp tục lựa chọn FE CREDIT để cùng đồng hành.
Đối với các điểm giới thiệu sản phẩm đang tạm ngừng hoạt động theo quy định của Nhà nước trong giai đoạn giãn cách, đó là linh hoạt chuyển đổi việc bán hàng qua các kênh phân phối khác. Cuối cùng là kiểm soát chặt chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận.
Với nỗ lực phòng chống dịch và đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin của Chính phủ, kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại, tạo động lực cho các doanh nghiệp nói chung, FE CREDIT nói riêng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2021 và tạo đà cho một giai đoạn tăng trưởng mới.
Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được ban hành vào đầu tháng 9 vừa qua, ông có nhận định gì về những thay đổi trong thông tư mới này?
Việt Nam đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021 với phạm vi, mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước rất nhiều. Trong khi đó, các khách hàng của FE CREDIT phần lớn là khách hàng ở phân khúc thu nhập trung bình thấp, rất nhạy cảm với biến động kinh tế và cũng là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất từ đợt dịch này: Thu nhập giảm sút, mất việc làm, không có thu nhập dự phòng, thiếu sự đa dạng trong việc sử dụng các giải pháp tài chính…, khiến cho việc thanh toán khoản vay định kỳ trở nên quá sức.
Thời gian vừa qua, FE CREDIT nhận được rất nhiều đề nghị hỗ trợ từ khách hàng và đã triển khai các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoản vay; miễn, giảm lãi vay…
FE CREDIT luôn xác định sẽ hỗ trợ tối đa khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép, song cần thẳng thắn rằng, có nhiều trường hợp không thể hỗ trợ do không đạt các điều kiện luật định.
Đại dịch Covid-19 là thảm họa sức khỏe toàn cầu, là một sự kiện bất khả kháng và tác động của bệnh dịch này lên đời sống kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2021, mà có thể kéo dài những năm về sau, nên các công ty tài chính tiêu dùng rất cần có những giải pháp ứng phó và hỗ trợ khách hàng dài hạn, toàn diện.
Ở góc độ một doanh nghiệp phát triển theo định hướng vì cộng đồng, FE CREDIT sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để đồng hành cùng Chính phủ và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Điều FE CREDIT mong muốn đó là mở rộng đối tượng khách hàng được hỗ trợ, thủ tục đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn, để tất cả khách hàng khó khăn đều được hỗ trợ miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ… Chúng tôi tin rằng, các giải pháp này sẽ giúp khách hàng giảm nhẹ áp lực tài chính, yên tâm tập trung cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau này.
in bài viết
VNIndex
1,051.44
-4.38 (-0.42%)
Tổng Biên tập: Lê Trọng Minh
Uỷ viên Ban Biên tập – Thư ký Toà soạn: Đặng Tuấn Khánh
© Bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giấy phép số 541/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23 tháng 8 năm 2021
Giấy phép chuyên trang số 68/GP-CBC do Cục Báo chí cấp ngày 1 tháng 9 năm 2021
Powered by ePi Technologies
® Ghi rõ nguồn “Tinnhanhchungkhoan.vn” khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.