Nguồn hình ảnh, Reuters
Chủ tịch Trần Đại Quang dự hội nghị Apec ở Đà Nẵng ngày 11/11/2017
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang qua đời lúc 10 giờ 5 phút hôm 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, theo loan báo chính thức của Đảng Cộng sản.
Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang
Quanh suy đoán Chủ tịch Quang 'sẽ được thay thế'
Đức Giáo hoàng tiếp Chủ tịch Việt Nam
Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu xác nhận với báo chí Việt Nam rằng ông Quang được phát hiện bị bệnh từ tháng 7 năm 2017 và đi Nhật chữa trị.
Theo ông Triệu, ông Quang mắc loại bệnh 'virus hiếm và độc hại'.
"Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khoẻ cho Chủ tịch nước khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian," ông Triệu được VnExpress ngày 21/9 trích lời cho biết.
Ông Triệu cũng tiết lộ rằng từ tháng 7/2017, Chủ tịch nước đã trải qua 6 lần điều trị tại Nhật Bản.
Trong khi đó, báo Thanh Niên trao đổi với GS – TS Phạm Gia Khải, cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, người cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang "được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính"
Cũng theo báo này, một bác sĩ khác, thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, cũng cho biết, sau khi phát hiện mắc bệnh từ hơn 1 năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã được chữa bệnh tại nước ngoài, cũng như chăm sóc theo dõi bởi các chuyên gia đầu ngành về ung bướu trong nước, nhưng các nỗ lực chỉ có thể giữ bệnh ổn định.
"Lâu nay ghép tủy cũng là một trong những liệu pháp được điều trị bệnh máu ác tính và một số bệnh về máu lành tính, tuy nhiên, với máu ác tính thì không phải thể nào cũng có thể ghép tủy điều trị", bác sĩ này cho biết.
Tới ngày 23/9, lời ông Triệu nói Chủ tịch Quang bị mắc "virus hiếm và độc hại" trên VNExpress đã được thay bằng "bệnh hiểm nghèo".
Thông tin chính thống nói Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang sinh năm 1956 và đi lên từ ngành công an.
Các tài liệu chính thức nói ông theo học trường Cảnh sát Nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ 1972 đến tháng 10/1975.
Quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, ông Trần Đại Quang có học vị Tiến sỹ Luật học, Đại học An ninh, trình độ ngoại ngữ cao học tiếng Trung.
Ông được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản từ Đại hội Đảng XI năm 2011, phong hàm Đại tướng Công an năm 2012.
Quốc hội Việt Nam tháng Tư 2016 bầu ông làm Chủ tịch nước. Khi đó, ông là ứng viên duy nhất được giới thiệu cho chức vụ này.
Theo báo chí khi đó, kết quả bầu cho vị trí chủ tịch nước: với 483/494 đại biểu có mặt, ông Quang được 452 phiếu đồng ý, chiếm 91,5%, có 29 phiếu không đồng ý, chiếm 5,8%.
Trong những tháng qua, đã từng có lúc xảy ra đồn đoán về việc Chủ tịch Quang thôi chức vụ.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chủ tịch Trần Đại Quang tiếp Ngoại trưởng Nhật Taro Kono ngày 12/9/2018
Sau khi tốt nghiệp ngành cảnh sát, ông về công tác ở Cục Bảo vệ chính trị, Bộ Nội vụ liên tục đến 1990.
Ông trở thành Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ từ 1990 đến 1996.
Ông giữ chức Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh từ 1996 đến 2000, trước khi được thăng chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an năm 2000.
Năm 2006, ông trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng công an, được phong Trung tướng năm 2007.
Từ 2011, ông bắt đầu là một trong những chính khách quan trọng nhất của Việt Nam với việc trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, được phong Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012).
Nguồn hình ảnh, EPA
Ông Trần Đại Quang sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước ngày 2/4/2016
Sau khi tin Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9, nhiều bình luận được đưa lên mạng Facebook.
Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản, ông Nguyễn Quốc Cường viết: "Chủ tịch nước và phu nhân vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản tháng 6 năm nay, không ngờ bệnh lại nặng nhanh đến như vậy. Các bác sĩ Nhật Bản và Việt Nam đã làm hết mình cũng không cứu chữa nổi căn bệnh hiểm nghèo."
Tân đại sứ Anh, ông Gareth Ward viết trên Facebook: "Tôi cảm thấy rất buồn khi nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã qua đời. Cách đây hơn một tháng, tôi đã có dịp được gặp ông. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, người thân của ông và toàn thể người dân Việt Nam."
Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink cũng viết trên Facebook: " Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn của mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam."
"Sự tiếp đón của ông trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Donald J. Trump tới Hà Nội vào tháng 11 năm 2017 đã giúp đưa mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam lên tầm cao mới trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, có lợi ích chung và mong muốn chung nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương."
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam ở Singapore, nói với BBC ngày 21/9:
"Theo tôi thì cái nhiệm kỳ của Ông Trần Đại Quang chỉ mới hoàn thành được nửa nhiệm kỳ thôi. Trong khoảng thời gian đấy thì cái thời gian ông phải chống chọi với bệnh tật thì kéo dài khá nhiều.
Chính vậy, tôi nghĩ ông chưa kịp để lại nhiều dấu ấn. Bên cạnh đấy thì cũng có nhiều thông tin không có lợi cho uy tín của ông, như là trách nhiệm của ông khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an. Điều đó đặt một dấu chấm hỏi về nhiệm kỳ của ông Quang. "
"Do vị trí Chủ tịch nước mang tính chất lễ nghi là chính, nó cũng không có nhiều thực quyền. Chính vậy mà những công việc ông Quang đã làm thực sự chưa để lại được nhiều dấu ấn với người dân cũng như cộng đồng quốc tế."
Trả lời BBC, GS. Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Úc, nhận định:
"Sau khi ông Trần Đại Quang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các bước cắt giảm cơ cấu nặng nề của bộ."
"Rõ ràng là những quyền lợi đặc biệt mà Bộ này đã tận hưởng đang bị cắt giảm trong một nỗ lực để làm cho Bộ có trách nhiệm hơn."
"Những quyết định này được đưa ra trong khi ông Quang là thành viên của Bộ Chính trị. Chức năng cơ bản của Bộ Công an sẽ không thay đổi nhưng bây giờ bộ này sẽ chịu sự giám sát của các quan chức cấp cao hơn."
Hãng AFP ngày 21/9/2018 viết:
"Mặc dù ông giữ một trong bốn vị trí hàng đầu trong bộ máy lãnh đạo của Việt Nam, và chính thức giữ chức chủ tịch nước, vai trò của ông chỉ được xem là mang tính nghi lễ, chào mừng các nhà lãnh đạo đến thăm và tổ chức các sự kiện ngoại giao nhằm củng cố hình ảnh của Việt Nam trên thế giới."
"Ông Quang đã xuất hiện gầy và nhợt nhạt trước công chúng, chân đi không vững tuần trước, khi ông đón Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hà Nội."
"Lần cuối cùng ông Quang xuất hiện trước truyền thông mới cách đây hai ngày, tại một cuộc gặp với các chính trị gia Trung Quốc và giới chức nước ngoài tại Hà Nội."
"Là một thành viên của Bộ Chính trị, ông Quang có tiếng là cứng rắn và có ảnh hưởng trong guồng máy của đảng Cộng sản, mặc dù thường xuất hiện với vẻ không thoải mái trong mắt công chúng và không được các đồng sự cao cấp của Đảng Cộng sản tín nhiệm."
"Trong một cuộc phỏng vấn với AFP vào năm 2016 trước chuyến thăm của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Quang chỉ đọc một báo cáo đã được chuẩn bị sẵn và nhanh chóng được hộ tống rời khỏi phòng sau khi nhận được các câu hỏi không nằm trong kịch bản."
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chủ tịch Trần Đại Quang bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 13/11/2017
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chủ tịch Trần Đại Quang tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội ngày 12/11/2017
Theo quy định của Việt Nam, Quốc tang hai ngày sẽ được tổ chức sau khi Chủ tịch nước qua đời.
Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Hiến pháp 2013 nói: "Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới."
Theo đó, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ có thể tạm thời giữ quyền Chủ tịch nước Việt Nam.
Vào thời điểm ông Trần Đại Quang từ trần, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đang có mặt tại một diễn đàn về phụ nữ ở Liên bang Nga.
© 2022 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài