chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Báo Điện tử Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe thuyết trình về các sản phẩm quân sự do Viettel nghiên cứu, phát triển tại Triển lãm Vietnam Defence 2022 – Ảnh: VGP/PD
Tham dự Vietnam Defence 2022, Viettel thu hút đông đảo sự chú ý với 60 sản phẩm phục vụ quân sự và 59 sản phẩm dân sự phục vụ “Kinh tế-quốc phòng trong kỷ nguyên số”. Trong khi việc làm chủ các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng góp phần đảm bảo an ninh của tổ quốc, những sản phẩm chuyển đổi số trong lĩnh vực dân sự hứa hẹn tạo ra những bước đà to lớn cho phát triển kinh tế.
Những thành tựu của Viettel là quả ngọt của hành trình gần 10 năm theo đuổi khát vọng trở thành hạt nhân xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Với chi phí đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng/năm cho các hoạt đông nghiên cứu, Viettel đang từng bước đưa Việt Nam hiện diện trên bản đồ của các quốc gia có khả năng tự chủ công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Trong khi “ngôi sao” tại khu vực trưng bày các sản phẩm quốc phòng là radar công nghệ cao, hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển, máy bay không người lái…, khu vực trưng bày các sản phẩm chuyển đổi số thu hút bởi những trải nghiệm 4.0 do chính người Việt Nam phát triển, hệ thống X-quang không máy chụp, quản lý nhà thông minh, quản lý đô thị với sự góp sức của trí tuệ nhân tạo… mang lại nhiều trải nghiệm lý thú.
Vào thời gian diễn ra sự kiện, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đánh giá cao những thành tựu của Tập đoàn ở cả 2 lĩnh vực quân sự và dân sự. Không chỉ quan sát và lắng nghe đặc tính của từng sản phẩm, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng trực tiếp đặt câu hỏi về các giải pháp như Trung tâm điều hành IOC, thanh toán Viettel Money hay công nghệ 5G Viettel trưng bày tại gian kinh tế số. Trong số đó, giải pháp Telehealth của Viettel được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm bởi đã giúp người dân cả nước chiến đấu với đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Phan Văn Giang nhận định các sản phẩm dân sự, quân sự của Viettel đều ở chất lượng cao.
Ông Elesio Martins Ferreira, Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Brazil ở Indonesia, rất ngạc nhiên khi trải nghiệm các sản phẩm chuyển đổi số Made in Vietnam ở gian hàng của Viettel. Thừa nhận tính hữu dụng của các sản phẩm như y tế số, giáo dục số… do chính người Việt tạo ra, ông Ferreira tin rằng cơ hội hợp tác giữa Brazil với Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn.
Ông Christopher Miller, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Donald Trump, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ khi ghé thăm gian hàng của Viettel sau khi dừng chân tại khu vực đài chỉ huy thuộc C5ISR.
Khi được hỏi đâu là sản phẩm, hoặc công nghệ đáng nhớ, ông Miller nói: “Điều khiến tôi hứng thú nhất là thiết bị bay không người lái, trí tuệ nhân tạo của các bạn và đặc biệt là hệ thống chỉ huy của Viettel (Command, Control – nằm trong hệ thống C5ISR). Viettel đã kết hợp rất nhiều thứ phực tạp trở thành một kết cấu rất dễ hiểu. Tất cả được hiển thị ra một màn hình giúp người chỉ huy có thể ra quyết định chính xác hơn, nhanh chóng hơn”.
Với sự đón nhận của các phái đoàn trong và ngoài nước cùng khách tham quan, Viettel đã chứng minh được năng lực của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Sự kết hợp hoàn hảo khi ứng dụng những thành tựu của công nghệ phục vụ quốc phòng cho mục đích dân sự tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm quốc tế.
Viettel đang từng bước đưa Việt Nam hiện diện trên bản đồ của các quốc gia có khả năng tự chủ công nghiệp quốc phòng công nghệ cao – Ảnh: VGP/PD
Bên lề Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và United Telecoms Limited Group (UTL Group) của Ấn Độ sẽ hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và ký hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao (IP Router) sử dụng cho nhà mạng Gwave thuộc UTL Group.
Thỏa thuận với một nhà mạng ở quốc gia 1,4 tỷ dân không chỉ khẳng định giải pháp hạ tầng mạng viễn thông di động thế hệ 5 (5G) của Viettel đã sẵn sàng thương mại và kinh doanh diện rộng mà còn chứng tỏ khả năng khi chinh phục được những thị trường có trình độ công nghệ cao và yêu cầu khắt khe.
“Với dân số 1,4 tỷ, Ấn Độ là thị trường có sức hấp dẫn lớn với các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị/hệ thống thuộc tất cả các lớp mạng 4G, 5G đáp ứng tiêu chuẩn Make in India”, ông Nguyễn Vũ Hà, CEO Viettel High, chia sẻ.
Với những thành tựu đã đạt được, Viettel đã thành công trong việc chứng minh năng lực công nghệ Việt đang từng bước tiệm cận, thậm chí ngang hàng với thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để Viettel có thể đạt được các mục tiêu tham vọng hơn như lọt top 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu cũng như xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng vào năm 2025.
PD
© BÁO ĐIỆN TỬ CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Tổng Biên tập: Nguyễn Hồng Sâm
Giấy phép số: 137/GP-BTTTT, cấp ngày 21/04/2014.
Trụ sở: 16 Lê Hồng Phong – Ba Đình – Hà Nội;
Điện thoại: Văn phòng: 080.43162;
Fax: 080.48924; Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc Báo điện tử Chính phủ – Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ghi rõ nguồn “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”, “Báo điện tử Chính phủ” hoặc “www.chinhphu.vn” khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.