(HQ Online) – Trước thông tin Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng chính sách “Zero Covid”, các doanh nghiệp đang phấn khởi chờ đón cơ hội kinh doanh mới.
Hiện Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD trong năm 2022- theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang và nhập khẩu từ Trung Quốc về là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc. Những hàng hóa này chiếm đến hai phần ba tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Do đó, thời gian qua, thông tin Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero Covid” đã dấy lên hy vọng về việc nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra 8 nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không khi Trung Quốc đã cho phép các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay thường lệ đến – đi với tần suất 15 chuyến/tuần thay vì 2 chuyến/tuần như thời gian vừa qua. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo, Vietjet đã nhanh chóng triển khai lại các đường bay đến Trung Quốc.
Nhóm thứ hai là thủy sản do thị trường Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm gần 30%, đạt 638 triệu USD trong 10 tháng năm 2022, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Những nhóm hàng tiếp theo cũng là những mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn vào Trung Quốc như: xi măng, cao su, thép, gạo. VNDirect cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có rau quả, đặc biệt quả sầu riêng có nhiều kỳ vọng khi Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư với Trung Quốc là sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây (thí điểm). Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất tiểu ngạch sang xuất chính ngạch theo nghị định thư đi Trung Quốc.
Với ngành dệt may, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam (chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam). Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may tại Việt Nam. Hơn nữa, sang năm 2023, lạm phát tại một số thị trường nhập khẩu lớn suy giảm sẽ càng giúp thúc đẩy ngành dệt may phục hồi. Tương tự, ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng có nhiều cơ hội để được hưởng lợi. Theo phân tích của các chuyên gia Tập đoàn VinaCapital, du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước Covid-19 và lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà đạt 25% so với mức trước dịch trong năm 2022. Lượng khách du lịch nước ngoài kỳ vọng đến Việt Nam sẽ đạt trên 50% so với mức trước Covid-19 vào năm 2023 dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau.
Các chuyên gia cho rằng, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các doanh nghiệp sản xuất. Mặt khác, tình trạng lạm phát cao nhất ở Mỹ và các nước châu Âu có thể đã qua với mức độ giảm dần, giúp tình hình thương mại quốc tế sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS), quá trình mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể diễn ra nhanh mà cần có sự chuẩn bị nên các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội và phải có sự chuẩn bị từ nhân sự, nguồn lực cho đến đối tác. TS. Tuấn dự báo, ít nhất sang đến quý 2/2023, Trung Quốc mới có thể mở cửa hoàn toàn để hòa nhập chung với nền kinh tế thế giới.
Hương Dịu
© Bản quyền 2022 Tạp chí Hải Quan – Cơ quan của Tổng cục Hải quan
Tổng biên tập: Vũ Thị Ánh Hồng
Phó Tổng biên tập: Hoàng Anh Vinh – Nguyễn Chí Thành
Thư ký toà soạn: Nguyễn Mạnh Hùng
Giấy phép số: 459/GP-BTTTT ngày 22/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Hotline: 0968.96.34.96 E-mail: haiquanonline@gmail.com
Địa chỉ: Số 9 phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí Hải quan.