Mỹ không phản đối việc Đức mua máy tính từ Trung Quốc, xe máy từ Nhật Bản và pho mát từ Hà Lan. Tuy nhiên, tại sao Mỹ lo ngại việc Đức mua năng lượng của Nga? Liệu đồng USD (United States dollar – Đôla Mỹ) có thể giữ vững vị thế của mình với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế?
4 tổng thống gần đây nhất của Mỹ – George W.Bush, Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden – có rất ít điểm chung, nhưng họ đều nhất trí ủng hộ nỗ lực ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức.
Tháng trước, các vụ nổ đã khiến Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng hoạt động. Đó là một cuộc tấn công khủng bố cấp nhà nước dường như không giống phong cách của châu Âu. Các nhà lãnh đạo chính trị của Liên minh châu Âu (EU) đã im lặng. Chắc chắn họ đã nhận ra rằng thế giới đang bước sang một kỷ nguyên mới.
Vàng đen
Nhiên liệu hóa thạch là mặt hàng quan trọng của thế giới. Thương mại năng lượng chiếm khoảng 8% thương mại toàn cầu nhưng không thể thiếu đối với 90% sản lượng kinh tế toàn cầu. Ngay cả cuộc cách mạng công nghệ xanh mới chớm nở cũng không thể thiếu được nguồn nhiên liệu này.
Dầu được định giá và giao dịch bằng USD. Nếu một công ty Tây Ban Nha mua dầu từ Saudi Arabia, khoản thanh toán bằng đồng USD sẽ được thực hiện thông qua một ngân hàng ở New York. Điều tương tự cũng áp dụng cho hầu hết các mặt hàng khác. Nếu Nhật Bản mua lúa mỳ của Australia, các ngân hàng ở New York sẽ xử lý khoản thanh toán bằng đồng USD.
Đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ trên thực tế của thế giới vào năm 1944. Hiệp định Bretton Woods đã biến đồng tiền này được đảm bảo bằng vàng trở thành “mỏ neo” cho hệ thống tiền tệ toàn cầu. Cố định ở mức 35 USD/ounce, đồng USD có thể đổi thành vàng bất cứ khi nào.
Hệ thống Bretton Woods đã cho phép Mỹ kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu trên thực tế. Đồng USD đã trở thành thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được giao dịch qua biên giới và nó thúc đẩy sự phục hồi sau chiến tranh.
Tuy nhiên, hệ thống Bretton Woods bắt đầu phải chịu áp lực vào cuối những năm 1960. Mỹ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, kế hoạch Xã hội Vĩ đại của Tổng thống Lyndon Johnson và cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam khi ấy đã dẫn đến thâm hụt ngày càng tăng và làm dấy lên câu hỏi về dự trữ vàng của Mỹ.
Chính phủ Pháp là người đầu tiên bày tỏ quan ngại. Cùng với các nước châu Âu khác, Pháp chuyển dự trữ vàng của mình sang Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Họ sợ Liên Xô sẽ tiến quân vào Paris và London rồi “cuỗm” vàng của họ.
Vào đầu tháng 8/1971, Pháp đã cử một tàu chiến đến New York để “hồi hương” số vàng của mình. Vài ngày sau, vào ngày 15/8, Tổng thống Richard Nixon xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia và thông báo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục quy đổi USD ra vàng nữa. Như vậy, cái gọi là “cửa sổ vàng” đã khép lại.
Ông Nixon khi ấy cho biết biện pháp này sẽ chỉ là tạm thời, nhưng “cửa sổ vàng” không bao giờ được mở lại. Bằng cách tách đồng USD khỏi vàng và bãi bỏ Thỏa thuận Bretton Woods, Mỹ sẽ phát hành đồng USD như đồng tiền pháp định. Thế giới giờ đây chỉ có thể tin tưởng Mỹ sẽ là người quản lý tốt đồng tiền dự trữ của thế giới.
Để đảm bảo đồng USD sẽ giữ được vai trò toàn cầu của mình, Tổng thống Nixon đã cử Ngoại trưởng Henry Kissinger đến Saudi Arabia để thuyết phục vương quốc này chỉ bán dầu bằng đồng USD. Đổi lại, Mỹ sẽ bảo vệ Saudi Arabi. Thỏa thuận này là lý do khiến đồng đô la Mỹ còn có biệt danh là “Đôla dầu mỏ”.
Nợ quốc gia của Mỹ
Sau khi Tổng thống Nixon tách rời đồng USD và vàng, nền chính trị Mỹ đã mất đi kỷ luật tài chính. Mỹ sẽ không bao giờ có được ngân sách cân bằng sau khi đóng “cửa sổ vàng”. Nợ quốc gia tăng đều, điều tương tự cũng xảy ra với thâm hụt thương mại.
Các chính trị gia tranh cử đã hứa sẽ chi tiêu nhiều hơn cho nhà ở hoặc quốc phòng mà không quan tâm đến những hạn chế về ngân sách. Lý thuyết tiền tệ hiện đại càng củng cố quan điểm này. Các quốc gia tự phát hành tiền tệ của mình không thể bị phá sản.
Hậu quả là thâm hụt ngân sách trở thành vấn đề kinh niên và nợ quốc gia tăng đều đặn. Chính phủ có thể tạo ra nợ mà không cần phải lo lắng về việc bị bất kỳ ai đòi số vàng tương đương với số nợ.
Nợ của chính phủ Mỹ đã được đưa lên “một tầm cao mới” do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một số ngân hàng “quá lớn đến nỗi không thể phá sản” đã phải đối mặt với tình trạng phá sản. Chính phủ Mỹ đã chi hàng tỷ USD để tránh một thảm họa tài chính. Quy mô thực sự của “gói cứu trợ Phố Wall” đã bị “màn sương lừa dối” che khuất.
10 năm sau, chính phủ Mỹ đã bổ sung hàng nghìn tỷ USD vào nợ quốc gia để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Từ năm 2008- 2020, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng từ 9.000 tỷ USD lên gần 30.000 tỷ USD. Với việc đồng USD được tách khỏi vàng, các khoản nợ bằng đồng USD bắt đầu giống như một kế hoạch Ponzi (mô hình đa cấp kim tự tháp, một hình thức lừa đảo, hoạt động bằng cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước).
Khi nợ tăng lên, trả lãi cho nợ quốc gia trở thành một khoản mục ngân sách ngày càng lớn, chỉ đứng sau ngân sách quốc phòng. Với thâm hụt ngân sách kinh niên, chính phủ chỉ có thể trả nợ bằng cách gánh thêm nợ.
“Sát thủ” lạm phát
Đến lượt Trung Quốc bắt đầu lo ngại. Trung Quốc từng là một trong những nước hưởng lợi chính của chủ nghĩa toàn cầu do chính phủ Mỹ ủng hộ. Bắt đầu từ cuối những năm 1970 và trải qua thời kỳ đồng USD chiếm ưu thế, chỉ trong vài thấp kỷ, Trung Quốc đã đưa phần lớn dân số thoát khỏi đói nghèo.
Việc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang Mỹ đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát, đây là tác động điển hình của việc tạo ra nhiều tiền hơn là mở rộng nền kinh tế. Đến năm 2020, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc tăng lên gần 1 tỷ USD/ngày.
Để quay vòng số USD này, Trung Quốc đã đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào Kho bạc Mỹ, vốn từ lâu được coi là khoản đầu tư an toàn và có giá trị như tài sản thế chấp. Năm 2008, Trung Quốc bắt đầu lo ngại về quy mô của gói cứu trợ Phố Wall và tính bền vững của khoản nợ ngày càng tăng của Phố Wall. Để phòng ngừa rủi ro, Trung Quốc bắt đầu mua vàng, thực phẩm và các mặt hàng khác với giá trị hữu hình và có thể dự báo trước.
Trung Quốc không tiết lộ gì về việc nắm giữ vàng của nước này, nhưng các nhà quan sát trong cộng đồng giao dịch vàng tin rằng Bắc Kinh hiện có trong tay nhiều vàng hơn Washington. Nếu được xác nhận, Trung Quốc sẽ có dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Các quốc gia khác lo ngại về đồng USD, nói rộng hơn là về hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD, do đó họ bắt đầu mua vàng. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã “hồi hương” vàng của họ, áp dụng câu ngạn ngữ cổ: “nếu bạn không giữ nó trong tay, bạn không sở hữu nó”.
Thoát khỏi hệ thống đôla Mỹ
Trong 500 năm qua, phương Tây đã có 6 loại tiền tệ dự trữ, đó là của Bồ Đào Nha (1450-1530), Tây Ban Nha (1530-1640), Hà Lan (1640-1720), Pháp (1720-1815), Anh (1815- 1920), và Mỹ (từ năm 1944 đến nay). Lịch sử cho thấy đồng USD đang sắp hết thời?
Trung Quốc, Thái Lan và một số quốc gia khác đang thử nghiệm hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới dựa trên công nghệ được phát triển nhằm thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Nga và Trung Quốc đã đồng ý sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng ruble cho việc mua bán năng lượng của Nga và công nghệ của Trung Quốc.
Mối quan tâm lớn nhất đối với Mỹ là Saudi Arabia – thành viên có ảnh hưởng nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Saudi Arabia đang đàm phán với Trung Quốc về việc bán dầu bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại chính của Saudi Arabia.
Việc “phi đôla hóa” ngày càng tăng ở châu Á giải thích lý do tại sao Mỹ phải giữ cho châu Âu tiếp tục sử dụng đồng đôla Mỹ. Cần phải ngăn chặn các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa châu Âu và châu Á, đó chính là lý do khiến 4 tổng thống Mỹ gần đây nhất nỗ lực tìm cách ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2.
Nga không chỉ có nguồn năng lượng khổng lồ, mà vị trí địa lý của Nga giúp nước này trở thành mối liên kết quan trọng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Một khu vực kinh tế Á-Âu gồm 93 quốc gia và 5,3 tỷ dân, giao dịch trong nội bộ khu vực đó sẽ không cần phải phụ thuộc vào đồng USD.
Cuộc chiến ở Ukraine cuối cùng sẽ kết thúc, nhưng Mỹ đã tìm ra con đường cho mình. Châu Âu phần lớn bị cắt khỏi nguồn năng lượng của Nga. Việc phá hủy Dòng chảy phương Bắc giúp loại bỏ một con bài mặc cả quan trọng cho một giải pháp thỏa hiệp cho cuộc xung đột.
Một nghiên cứu hồi đầu năm 2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận thấy tỷ trọng đồng USD trong dự trữ quốc tế đã giảm từ 70% xuống 60% trong 2 thập kỷ qua cùng thời gian Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. ¼ mức giảm này là chuyển sang nhân dân tệ. Phần còn lại chuyển sang các tiền tệ nhỏ hơn.
Xung đột Nga-Ukraine càng thúc đẩy quá trình này. Việc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã cho thấy rõ sức mạnh của đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, sự việc này cũng là lời cảnh báo đối với các quốc gia khác về việc quá phụ thuộc vào đồng tiền này. Để không bị rơi vào tình cảnh như Nga, nhiều nước đã đa dạng hóa tiền tệ dự trữ ngoài đôla Mỹ, từ đó khiến vị thế tiền tệ dự trữ của Mỹ gặp vấn đề.
Quả thực vị thế quốc tế của USD đang bị lung lay, tuy nhiên hiện chưa có đồng tiền nào có đủ khả năng để thay thế vị trí của đồng đôla Mỹ. Theo một báo cáo thường niên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được công bố vào tháng trước và được tờ “South China Morning Post” trích dẫn, chỉ số quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ tính đến cuối tháng 3 là 2,86 so với mức 58,13 đối với USD và 21,56 đối với đồng euro. Còn theo IMF, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2,88% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý 2/2022 so với 59,53% của đôla Mỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đánh giá, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ về giá trị thanh toán toàn cầu đã tăng lên 2,31% trong tháng 8 từ 2,15% một năm trước đó, nhưng vẫn thua xa 42,6% so với đôla Mỹ. Như vậy, có thể thấy ít nhất trong trung hạn, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể thay thế vị trí của đồng đôla Mỹ, bất chấp việc Bắc Kinh đang không ngừng nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của mình.
Giấy phép hoạt động báo chí số 08/GP-BTTTT, cấp ngày: 05/01/2021 của Bộ thông tin & Truyền thông
Tổng Biên tập: Thiếu tướng Phạm Khải
Phó Tổng Biên tập: Đại tá Trần Duy Hiển, Thượng tá Trần Hồng Thanh, Trung tá Phan Đăng Trường
Trụ sở Tòa soạn: Số 2A Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8222157 (máy lẻ 701).
Hotline: 0971.011944 – Email: candonline@gmail.com
Phát hành: 0944.634669
Quảng cáo: 0985.696305
Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh:
Số 6, Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3
0283.8241917
Văn phòng Thường trú tại Đà Nẵng:
Số 56 Lý Tự Trọng, Q.Hải Châu.
0236.3886594
Văn phòng Thường trú tại ĐBSCL:
Số 111 Trần Văn Hoài, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
0292.6250660
Văn phòng Thường trú Hải Phòng:
Số 16 Lê Đại Hành, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
0912.113521
Văn phòng Thường trú tại Tây Nguyên:
Số 61 Lê Thánh Tông, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
0934.738664
Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ:
Số 43A Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
0238.3551688