HOTLINE: 0903.343.439 – HOTLINE Phát hành: 0819.123.127 – Đặt mua báo
28-12-2022 – 06:52 | Kinh tế
Chia sẻ
Trung Quốc dự kiến mở cửa biên giới và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát COVID-19 vào ngày 8-1-2023. Đây được xem là tin vui với ngành du lịch Việt Nam bởi Trung Quốc vốn là thị trường khách rất lớn trước khi COVID-19 xuất hiện.
Nhiều nước chờ khách Trung Quốc
Theo tờ SCMP, 3 nguồn thạo tin tại cơ quan y tế và bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô cho biết Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị hạ mức độ kiểm soát COVID-19 xuống cấp độ B từ ngày 8-1-2023.
Theo đó, giới chức địa phương chỉ cần áp dụng biện pháp điều trị và xử lý cần thiết để ngăn dịch bệnh lan rộng. Quyết định này là bước cuối cùng của Trung Quốc trong việc chấm dứt chiến dịch “Zero COVID” và chuyển sang sống chung với dịch. Một quan chức y tế ở tỉnh Quảng Đông nói rằng biện pháp này sẽ giúp họ chuẩn bị cho nỗ lực mở lại ranh giới với đặc khu Hồng Kông.
Nha Trang – Khánh Hòa từng là điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Trong ảnh: Khách Trung Quốc tham quan Nha Trang trước dịch .Ảnh: KỲ NAM
Theo Bloomberg, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông cho hay đang tiến hành thảo luận với NHC, chính quyền tỉnh Quảng Đông và TP Thâm Quyến về kế hoạch thông quan từng bước và có trật tự vì Hồng Kông cần chuẩn bị đón một lượng lớn du khách. Theo trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, ở giai đoạn đầu mở cửa, nhu cầu đi lại của người dân sẽ rất lớn sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Việc mở cửa với Trung Quốc đại lục được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Hồng Kông trở lại mức trước dịch COVID-19. Nhà điều hành dịch vụ đường sắt Hồng Kông MTR Corporation cho biết họ đang “làm việc hết công suất” để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại với Trung Quốc.
Đối với Hồng Kông, việc mở cửa không chỉ giúp hồi sinh ngành du lịch vốn phụ thuộc nhiều vào đại lục mà còn là cơ hội thu hút các DN trở lại đặc khu này. Quyết định mở cửa với Hồng Kông cũng là phép thử quan trọng trước khi Trung Quốc tính đến việc mở cửa hoàn toàn với thế giới trong năm 2023.
Trong nỗ lực thu hút du khách đặc biệt là lượng khách từ Trung Quốc, Thái Lan đã quyết định cho phép du khách nhập cảnh không bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tất cả du khách tới Thái Lan có thể tự do du lịch mà không có bất kỳ hạn chế nào liên quan đến COVID-19. Du khách cũng không cần tải bất kỳ ứng dụng di động về COVID-19 nào.
Khác với Thái Lan, Ấn Độ yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya hôm 24-12 cho biết khách đến từ Trung Quốc sẽ bị cách ly nếu họ có các triệu chứng COVID-19 hoặc xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Với ngành du lịch Úc, trước đại dịch, khách Trung Quốc chiếm phần lớn trong tổng lượng du khách đến Úc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của quốc gia rộng lớn này. Ông Mark Olsen, giám đốc điều hành Du lịch Nhiệt đới Bắc Queensland, tin chắc rằng du khách Trung Quốc sẽ quay trở lại vào năm 2023 nhưng số lượng có thể chưa trở lại mức như trước đại dịch cho đến năm 2025, 2026.
Ở bang Victoria, các cơ sở kinh doanh hy vọng số lượng lớn du khách Trung Quốc sẽ quay trở lại vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Anh Harry Sou, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng ở TP Cairns, cho biết sau thời gian giảm quy mô hoạt động vì ảnh hưởng đại dịch, giờ đây anh và những đồng nghiệp đang tăng cường tiếp thị và thu hút du khách Trung Quốc trở lại.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị đón khách Trung Quốc trở lại, ngành du lịch Việt Nam cũng đang kỳ vọng sẽ đón một lượng lớn khách từ thị trường này. Du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước COVID-19, do đó việc phục hồi các thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc không chỉ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi mà còn duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng Vinacapital, kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới do lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng vào nửa cuối năm 2023. “Lượng khách du lịch Trung Quốc có khả năng trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2023, góp phần đưa lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt trên 50% so với mức trước COVID-19 vào năm 2023. Bởi thị trường khách này vốn chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch của Việt Nam trước đại dịch” – ông Michael Kokalari nói.
Để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại, ngành hàng không đã đi trước, khi Vietnam Airlines chính thức nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc từ ngày 9-12 sau gần 3 năm dừng bay. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc bao gồm giữa TP HCM và Quảng Châu từ ngày 9-12; giữa Hà Nội và Thượng Hải từ ngày 12-12 và giữa TP HCM với Thượng Hải từ ngày 14-12.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, kỳ vọng việc nối lại các đường bay thường lệ đi và đến thị trường Trung Quốc giúp hoạt động của các khu nghỉ dưỡng ven biển, đặc biệt những nơi từng phụ thuộc vào nguồn khách này, sẽ cải thiện đáng kể trong năm tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều DN du lịch cho biết đã sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại. Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho biết khách Trung Quốc có đặc thù là thích du lịch ở những điểm nghỉ dưỡng có phong cảnh đẹp, có hải sản… của Việt Nam. Theo ông Thành, sau dịch, nhu cầu của du khách có sự thay đổi như không đi đoàn lớn nên các DN cần quan tâm để điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.
“DN đã sẵn sàng, nhiều hãng hàng không cũng đang chuẩn bị mở lại đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam bên cạnh Vietnam Airlines. Bài toán lúc này là trông chờ vào chính sách visa thông thoáng, thủ tục nhập cảnh dễ dàng để khách Trung Quốc lựa chọn đến Việt Nam du lịch, thay vì tới các điểm đến khác cũng đang chờ đón dòng khách này” – ông Từ Quý Thành nói.
Một trong những phân khúc khách Trung Quốc được chờ đợi sẽ trở lại Việt Nam thời gian tới là khách tàu biển. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu khai thác khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam, ngay trong giai đoạn dịch, DN vẫn giữ kết nối với các đối tác tàu biển quốc tế, trong đó có thị trường Trung Quốc để cập nhật đến đối tác các chính sách của Việt Nam đối với khách quốc tế và ngược lại.
Đồng thời, tìm hiểu xu hướng du lịch và thị hiếu khách hàng… để có đánh giá, điều chỉnh sản phẩm tour cho phù hợp. “Ngay từ cuối năm 2022, DN đã sớm triển khai nhiều bước chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh trở lại mảng du lịch quốc tế và du lịch tàu biển nói riêng.
Cụ thể, kiểm tra các đơn vị cung ứng dịch vụ từ lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, các điểm tham quan, trải nghiệm… để bảo đảm dịch vụ, trải nghiệm của du khách được trọn vẹn. Tổ chức các tour khảo sát, thực tế cho các đoàn phóng viên, đối tác quốc tế đến Việt Nam ngay từ đầu năm nay” – bà Thanh Trà nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12
Tránh “vết xe đổ” khách 0 đồng
Liên quan đến dòng khách du lịch Trung Quốc, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trong câu chuyện xem lại cấu trúc của thị trường du lịch Việt Nam sau đại dịch để thay đổi nhằm thu hút du khách, ngoài visa cần cải thiện phải chú ý đến tour 0 đồng. Trước đây, tour 0 đồng từ khách Trung Quốc từng làm “đau đầu” ngành du lịch. Nay mở cửa đón khách trở lại cũng cần quan tâm đến cấu trúc thị trường du lịch cho phù hợp.
Về tour 0 đồng đối với khách Trung Quốc, ông Từ Quý Thành cho rằng trong giai đoạn đầu mở cửa rất khó để xuất hiện những tour như vậy. Quan trọng, ngành du lịch và cả các DN cũng đã có kinh nghiệm ứng phó, xử lý nhằm hạn chế tối đa rủi ro từ những tour 0 đồng để đem lại hiệu quả khai thác tốt nhất đối với dòng khách Trung Quốc. “Quan trọng nhất khi khách Trung Quốc trở lại với quy mô lớn sẽ góp phần phục hồi nhanh chóng ngành du lịch từ nhà hàng, khách sạn, có thêm việc làm cho nguồn nhân lực… Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành du lịch có thể chủ động sang Trung Quốc để xúc tiến, quảng bá, cạnh tranh với các điểm đến khác” – ông Từ Quý Thành nói.
Khách quốc tế sẽ phục hồi nhanh
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng lượng khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019. Do đó, trong kịch bản Trung Quốc nới lỏng dần các hạn chế đi lại kể từ quý II/2023 và kỳ vọng lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á tiếp tục phục hồi tích cực, dự báo Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tăng 195 % so với mức dự kiến năm 2022, đạt 55% của năm 2019 (trước COVID-19).
Chia sẻ
Từ khóa:
Nhập mã xác nhận
Mã xác nhận không đúng.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Báo người lao động điện tử
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
© Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Phó Tổng Biên tập: DƯƠNG QUANG, BÙI THANH LIÊM
Tổng Thư ký Tòa soạn: LÊ CƯỜNG
Tải ứng dụng đọc báo Người Lao Động
Trụ sở chính
127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 – TPHCM
Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376
Fax: 028-3930.4707
Liên hệ quảng cáo
doanhnghiep@admicro.vn
0794463333 – 0961984388
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).