Tại đảo quốc Mauritius thuộc châu Phi ở vùng biển Ấn Độ Dương, có những người phụ nữ Việt định cư gặp khó khăn hơn vì Covid-19, đồng thời cũng có người Việt du lịch rồi bị kẹt lại đây chưa thể trở về Việt Nam.
Cộng đồng người Việt chính thức sinh sống và làm việc ở Mauritius hiện chỉ có khoảng 10 người, hầu hết là phụ nữ đã kết hôn. Ngoài ra, có một lượng lao động Việt Nam (chủ yếu là dân miền Trung) làm việc trên các tàu đánh bắt hải sản hay ghé lại trú ngụ ở đất liền giữa những chuyến ra khơi.
Ngày 21-1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thị Mỹ Toàn và Nguyễn Ngọc Nhung hiện đang ở Mauritius về tình hình Covid-19 cũng như hoàn cảnh hiện tại nơi xứ người xa xôi.
* Trước hết xin hai chị cho biết diễn biến tình hình Covid-19 ở Mauritius ra sao?
– Chị Mỹ Toàn: Hiện nay Mauritius không còn ca nhiễm Covid-19 cộng đồng nào. Trước đây, có thời gian nhiều bệnh nhân Covid-19 liên tục tử vong làm người dân sợ hãi bởi đảo quốc rất nhỏ và hệ thống y tế chưa phát triển.
– Chị Ngọc Nhung: Hiện tại mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và các bộ, ngành Y tế ở đây. Người dân được sinh hoạt, tụ tập buôn bán cũng như vui chơi bình thường. Dù vậy, mọi người vẫn phải giữ ý thức về vệ sinh cá nhân. Đi vào nơi công cộng như khu thương mại hoặc nhà hàng luôn có nhân viên kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu rửa tay bằng cồn trước khi vào cửa.
Lê Thị Mỹ Toàn
– Quê Bình Định.
– Định cư tại Mauritius từ năm 2012.
– Nghề nghiệp: Nội trợ, buôn bán nhỏ, cho thuê phòng trọ du lịch.
* Mauritius khống chế được dịch bệnh thành công bằng cách nào?
– Chị Ngọc Nhung: Sau khi phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã đóng đường biên và cách ly những hành khách đáp các chuyến bay sau ngày phong tỏa các khu vực. Mọi đi lại được giám sát, chỉ cho phép mỗi gia đình một người đại diện mua sắm thực phẩm, hàng thiết yếu và phải xuất trình hộ chiếu hoặc ID (thẻ căn cước).
– Chị Mỹ Toàn: Lúc bất ngờ phong tỏa toàn quốc, người dân không kịp mua lương thực dự trữ, nhưng nay thì tình hình ổn định rồi vì chính quyền có hỗ trợ vận chuyển lương thực đến các hộ nghèo, khó khăn. Hiện nay Mauritius xét nghiệm và cách ly người nhập cảnh tại các resort có trả phí (tầm 1.500 USD cho 14 ngày).
* Với đặc thù đảo quốc tứ bề là biển cả, người dân Mauritius nghĩ gì về Covid-19?
– Chị Ngọc Nhung: Tôi thấy người dân ở đây rất ý thức về dịch bệnh, luôn giữ khoảng cách và tránh tình trạng tụ tập đông người.
– Chị Mỹ Toàn: Dân Mauritius không có thói quen mang khẩu trang nên lúc đầu họ thấy… ngộp thở chút và chủ yếu để… đối phó cảnh sát. Bây giờ đa số đều chấp hành mang khẩu trang nghiêm chỉnh.
* Dịch Covid-19 để lại ảnh hưởng gì đến quốc gia này?
– Chị Mỹ Toàn: Mauritius có thế mạnh ở lĩnh vực du lịch, kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào du lịch nên hậu quả mà Covid-19 để lại khá bi đát. Vắng du khách (chủ yếu từ châu Âu) khiến tỷ lệ thất nghiệp cao, giao thương trì trệ. Tôi có kinh doanh cho khách du lịch thuê nhà trên Airbnb nhưng năm qua “te tua” vì chả có khách nào đến.
Nguyễn Ngọc Nhung
– Tuổi: 25. Sinh ra tại TP.Đà Nẵng.
– Nghề nghiệp: ca sĩ và làm việc tự do (freelancer).
– Đến Mauritius từ tháng 3-2020 và chưa thể về Việt Nam vì dịch Covid-19.
* Các bạn đã làm gì trong những đợt hạn chế, phong tỏa trong thời gian phòng, chống Covid-19?
– Chị Mỹ Toàn: Trong thời gian phong tỏa xã hội, tôi có… liều mình mua khẩu trang từ Việt Nam nhập qua Mauritius để bán trong lúc nơi này chưa kịp sản xuất khẩu trang cho dân đủ dùng. Tôi cũng làm nghề trang điểm và dạy trang điểm cá nhân với giá bình dân cho các học viên. Nhờ vậy thu nhập cũng không đến nỗi tệ. “Sống sót” được!
– Chị Ngọc Nhung: Là du khách nên tôi bị mắc kẹt lại Mauritius gần một năm rồi. Trong thời gian dài qua, tôi nâng cao các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của mình, trau dồi tiếng Anh, luyện thanh nhạc, văn hóa giao tiếp bản xứ, nấu ăn và luyện tập thể thao. Cũng may tôi có người bạn trai sống cùng nên hỗ trợ lẫn nhau phát triển, vượt qua những ngày tĩnh lặng vì Covid-19.
* Những người Việt khác ở đây có bị ảnh hưởng?
– Chị Mỹ Toàn: Các chị em Việt Nam định cư theo dạng lập gia đình không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các thuyền viên hết hợp đồng không được công ty thuê hỗ trợ chi phí hồi hương. Họ chỉ được công ty cung cấp chỗ ở và thức ăn, chỉ không có tiền mua nhu yếu phẩm khác.
Có hai du khách Việt Nam bị kẹt lại nhưng không đủ kinh phí lên được chuyến bay “giải cứu” hồi hương duy nhất do Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ hồi tháng 12-2020 vừa rồi.
* Tết Tân Sửu 2021 này các bạn có dự định, mong ước gì?
– Chị Mỹ Toàn: Thú thật tôi cũng chưa tính đến tương lai cụ thể vì tình hình dịch Covid-19 vẫn khó lường. Mauritius vẫn cấm người nhập cảnh từ các nước có biến chủng mới nên chắc kinh tế không mấy khả quan. Tôi tạm chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình thôi. Dĩ nhiên tôi mong dịch bệnh chấm dứt để còn làm ăn sinh sống sau một năm nhiều sợ hãi và mệt mỏi.
– Chị Ngọc Nhung: Năm 2021, tôi cũng giống như chị Toàn và nhiều người khác mong Covid-19 sớm kết thúc, mọi người mạnh khỏe. Tôi hy vọng mình có cơ hội trở về Việt Nam đoàn tụ gia đình và thực hiện những kế hoạch đang vạch ra trong năm mới.
* Xin cảm ơn hai bạn và chúc một năm mới an vui trên xứ người.
Mauritius mua vaccine cho dân
Ông Gerald Tony Ladegourdie, một công dân Mauritius làm trong lĩnh vực ngân hàng, hiện sống ở Quatre Bornes (cách thủ đô Port Louis khoảng 20 phút lái xe hơi), chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần thông tin về đảo quốc này:
“Thật là buồn khi nay đã sắp hết tháng 1-2021 mà chúng ta vẫn nhìn cả thế giới chống chọi đại dịch Covid-19 – một cuộc chiến chưa thể có hồi kết. Tại nơi tôi ở, Chính phủ đã loan báo kế hoạch đặt mua vaccine chích ngừa virus SARS-CoV-2 cho dân nên mọi người cũng hy vọng lắm. Nhờ biển cả cách biệt nên đến nay đất nước tôi chỉ phát hiện 556 ca nhiễm và 10 người thiệt mạng vì virus. Tôi mong mình và gia đình, người thân không bị nhiễm virus và sống sót qua đại dịch toàn cầu này. Thời gian qua, rất may là lương của tôi ở nhà băng cũng không bị giảm trừ.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như vài người Việt sống tại Mauritius, tôi được biết Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 rất thành công. Tôi thật sự bất ngờ và rất phục Việt Nam đã làm tốt như vậy. Mấy năm trước tôi từng sang thăm Việt Nam và rất yêu thích nơi đây vì món ăn Việt rất là ngon. Tôi hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để tôi có thể trở lại du lịch đất nước các bạn”.
Trung Nghĩa (thực hiện)