Hình minh họa (Nguồn: congthuong.vn)
Khái niệm
Kim ngạch xuất nhập khẩu trong tiếng Anh là Export-import turnover.
Kim ngạch xuất khẩu (Export turnover) là tổng giá trị xuất khẩu của các (hoặc một) hàng hoá xuất khẩu của quốc gia (hoặc một doanh nghiệp) trong một kì nhất định thường là quý hoặc năm, sau đó qui đổi đồng nhất ra một loại đơn vị tiền tệ nhất định
Kim ngạch nhập khẩu (Import turnover) là tổng giá trị nhập khẩu của các (hoặc một) hàng hoá nhập khẩu vào quốc gia (hoặc một doanh nghiệp) trong một kì nhất định qui đổi đồng nhất ra một loại đơn vị tiền tệ nhất định.
Kim ngạch xuất nhập khẩu (Export-import turnover) là tổng kim ngạch nhập khẩu cộng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 244,72 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỉ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỉ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Năm 2018 là năm thành công với chỉ tiêu xuất khẩu và cán cân thương mại khi tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt với 13,8%, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Qui mô xuất khẩu tăng mạnh, hiện nay cả nước có khoảng 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỉ USD.
Khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, đạt 69,2 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kì. Nếu các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước thường xuyên đạt thấp hơn khối FDI thì năm 2018 đã “đảo chiều”, đạt cao hơn khối FDI.
Cùng với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốt, cán cân thương mại năm 2018 đã duy trì thặng dư, ước đạt 7,2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thương mại thanh toán quốc tế.
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu 2019
Năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tập trung các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa như phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng để đảm bảo qui mô xuất khẩu; phát triển và mở cửa thị trường; tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến.
Đặc biệt, tập trung nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp đồng bộ với các đơn vị giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Thay đổi căn bản trong xúc tiến thương mại, đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn chứ không làm dàn trải như hiện nay để đưa sản phẩm Việt Nam đến ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.
(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Tài chính)
TH