Trở lại trang chủ
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả kinh tế GDP của Việt Nam ước tính năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 8%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Đồng thời, các cân đối vĩ mô vẫn tiếp tục được ổn định như lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát; thu ngân sách tiếp tục được giữ vững; nợ công, bội chi ngân sách đảm bảo các chỉ tiêu của Quốc hội.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1.800 nghìn tỷ đồng, bằng 125% dự toán Quốc hội giao, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2021. Ngân sách vẫn đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Trong bức tranh tươi sáng của nền kinh tế vĩ mô như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều gam màu trầm hơn những dấu ấn tích cực. Đặc biệt, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm nhiều biến động song vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, huy động vốn trên thị trường vẫn đạt được ở mức cao. Đa số các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.
Với quan điểm “đừng nhìn vào VN-Index”, mà cần tập trung cải thiện từ gốc cho thị trường chứng khoán vững tiến, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, một trong năm nhiệm vụ chính ngành chứng khoán phải làm năm 2023 là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các luật, văn bản có liên quan để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Nhiệm vụ thứ hai quan trọng không kém là xây dựng một kế hoạch cụ thể trên cơ sở chiến lược ngành Tài chính, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 khi được phê duyệt, từ đó triển khai các hoạt động trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Nhiệm vụ thứ ba là đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đầu tư.
Nhiệm vụ thứ tư là tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Nhiệm vụ thứ năm là tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050