Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ảnh tư liệu khoảng năm 1966, quân đội Hàn Quốc tại miền Nam Việt Nam
Vào đầu tháng Mười, chính phủ Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim Hàn Quốc "Ba chị em" (Little Women) khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam.
Việt Nam nói phim này vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 4, điều 9 Luật báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc và vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Trong phim có đoạn đối thoại mà Việt Nam cho là “ca ngợi tội ác của lính đánh thuê Hàn Quốc trong chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn năm 1967”, theo tường thuật trên VTC News.
Báo Lao Động nói: “Phim có những phân cảnh đưa nhiều dữ liệu sai lệch về chiến tranh Việt Nam và về lý do những người lính Hàn Quốc sang Việt Nam tham chiến.”
Câu chuyện cho thấy Cuộc chiến Việt Nam còn là vấn đề lịch sử chưa nguôi ngoai trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.
BBC đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Eugene Y. (Gene) Park, chuyên ngành chính trị và xã hội Triều Tiên, công tác ở Đại học Nevada, Reno, Hoa Kỳ.
Nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard năm 1999, ông là tác giả của nhiều sách như Korea: A History (2022).
Eugene Y. (Gene) Park: Trước khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987-1988, cách hiểu duy nhất được công khai rõ ràng về vai trò của đất nước trong Chiến tranh Việt Nam là Hàn Quốc đã sẵn sàng và tự hào hy sinh để bảo vệ tự do của Nam Việt Nam chống lại những người cộng sản.
Ta biết Hoa Kỳ và 15 thành viên Liên Hợp Quốc khác đã hỗ trợ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Vì vậy, lập trường công khai của Hàn Quốc về Chiến tranh Việt Nam đã thúc đẩy cảm giác tự hào về việc Hàn Quốc trả được món nợ Chiến tranh Triều Tiên cho thế giới tự do. Họ trả nợ bằng cách giúp đỡ Nam Việt Nam với tư cách là nước đóng góp quân lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.
Kể từ năm 1988, thái độ của Hàn Quốc đối với Chiến tranh Việt Nam lại phản ánh sự phân cực chính trị tiếp tục của đất nước khi nhìn về vấn đề Bắc Triều Tiên. Đối với phe hữu của Hàn Quốc, Triều Tiên là phản diện vì Hàn Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của người dân Triều Tiên và do đó cuối cùng Bắc Triều Tiên phải bị tiêu diệt.
Còn phía cánh tả chính trị, Bắc Triều Tiên là một quốc gia đại diện cho khoảng 25 triệu trong số 80 triệu người dân Hàn Quốc và do đó phải được đối xử phù hợp. Chưa kể rằng, vào đêm trước khi đế quốc thực dân Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vào tháng 8 năm 1945, chính Hoa Kỳ đã đề xuất với Liên Xô để chia cắt Triều Tiên.
BBC: Chiến tranh Việt Nam có chỉ là một “vấn đề nhỏ” và không ảnh hưởng đáng kể đến dư luận ở Hàn Quốc?
Ít nhất là đối với những người Hàn Quốc ở độ tuổi học sinh tiểu học vào cuối những năm 1970 trở lên, Chiến tranh Việt Nam không phải là vấn đề nhỏ.
Đặc biệt xét về việc những người sinh ra những năm 1960 mà hiện đang đóng những vai trò nổi bật ở Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực, thì cách họ nói về Chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng đến dư luận.
BBC: Chiến tranh Việt Nam được thể hiện như thế nào ở Hàn Quốc?
Cũng tùy. Đối với những người nghiêng về cánh tả, Hàn Quốc đã gửi quân đến Chiến tranh Việt Nam vì những ưu đãi mà Mỹ đưa ra, bao gồm nhiều hợp đồng béo bở cho các tập đoàn mới nổi của Hàn Quốc, tăng cường hơn nữa khả năng quân sự của Hàn Quốc và tái khẳng định tổng thể cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp Bắc Triều Tiên gây hấn.
Cánh tả của Hàn Quốc có xu hướng cởi mở trong việc thừa nhận, ví dụ, các hành động tàn bạo đối với dân thường Việt Nam do quân đội Hàn Quốc gây ra và các biện pháp khắc phục khác nhau.
Đối với những người nghiêng về bên hữu, Chiến tranh Việt Nam là cơ hội của Hàn Quốc để trả nợ cho Hoa Kỳ và các quốc gia "tự do" khác đã giúp đỡ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên và thực hiện nghĩa vụ là một thành viên của thế giới "tự do" để chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Với nhóm này, những đau khổ của dân thường Việt Nam do quân đội Hàn Quốc gây ra là một khía cạnh đáng tiếc, không thể tránh khỏi của một cuộc chiến tranh hiện đại.
Còn phần lớn người Hàn Quốc giữ hoặc bày tỏ quan điểm ở giữa. Đối với họ, cũng như những người phe tả và phe hữu, Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển – có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư và khách du lịch.
BBC: Liệu có một cuộc tranh luận về việc chính phủ và nghệ sĩ Hàn Quốc nên nói về những người lính Hàn Quốc ở Việt Nam như thế nào? Họ là anh hùng hay nạn nhân?
Tôi không nghĩ rằng có nhiều tranh luận. Như ở nhiều quốc gia dân chủ nơi mức độ tự do báo chí được đảm bảo đáng kể, thì ở Hàn Quốc, người sử dụng phương tiện truyền thông báo chí hoặc truyền hình có sự lựa chọn và, và nhìn chung, dư luận xã hội bị phân cực.
Trừ khi hai miền Triều Tiên đạt được một thỏa thuận chung sống hòa bình với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì cách người Hàn Quốc nói về những người lính trong Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự chia rẽ chính trị nội bộ ở Hàn Quốc.
Xem thêm bài: Hàn Quốc giàu lên nhờ Cuộc chiến Việt Nam ra sao?
© 2022 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài