Kinh Doanh Tài chính
06/09/2022 19:00 (GMT+07:00)
Mạnh Hà Nhà báo
Nhân dân tệ lao dốc
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc khép lại tháng 8/2022 giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm giá tồi tệ nhất của đồng tiền này tính từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung từ cuối 2018 và nó khiến NDT xuống mức thấp nhất so với USD trong 2 năm qua.
Tính tới sáng 6/9, đồng Nhân dân tệ đã xuống mức 6,9345 NDT đổi 1 USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 6,3671 hồi giữa tháng 4/2022. Tổng cộng, NDT đã mất giá gần 9% trong vòng 5 tháng.
Đây là lần thứ ba đồng Nhân dân tệ có tốc độ giảm giá mạnh như vậy.
Trước đó, đồng tiền của Trung Quốc có đợt giảm từ mức 1 USD đổi 6,275 NDT hồi giữa tháng 4/2018 xuống mức 1 USD đổi 6,96 NDT vào cuối tháng 11/2018. Đợt giảm mạnh thứ hai là từ mức 1 USD đổi 6,7 NDT hồi giữa tháng 4/2019 xuống mức thấp kỷ lục 1 USD đổi 7,1565 ghi nhận hôm 30/8/2019.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc điêu đứng và đồng tiền của nước này suy yếu nghiêm trọng.
Trong đợt lao dốc lần này, Nhân dân tệ suy yếu vì tăng trưởng kinh tế suy giảm vì cuộc chiến chống dịch bệnh với chiến lược zero-Covid của Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài cả năm qua tại nền kinh tế số hai thế giới và chưa có tín hiệu chạm đáy.
Theo Nomura Holdings, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ giảm sâu hơn nữa trong năm nay và có thể một lần nữa xuống dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1 USD đổi 7 NDT. Đây là ngưỡng mà Ngân hàng TƯ Trung Quốc (PBOC) cố găng duy trì, không muốn bị thủng trong nhiều năm qua.
Nhân dân tệ giảm giá sâu không chỉ do nội tại nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn mà còn do đồng USD mạnh lên trên phạm vi toàn cầu, với chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh tay của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Từ đầu năm tới nay, Fed đã 4 lần tăng lãi suất, mức tăng tổng cộng 225 điểm phần trăm (từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên mức 2,25-2,5% như hiện tại). Thị trường đang đánh cược vào khả năng Fed sẽ tăng thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp trong tháng 9 này và sẽ đảo chiều chính sách, trở lại cắt giảm lãi suất bắt đầu vào mùa thu năm 2023.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn hơn.
Trên CNBC đầu tháng 9, Chủ tịch Fed Cleveland Mester cho rằng, cần thiết phải nâng lãi suất cho vay lên trên 4% vào đầu năm tới (cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 3-3,5% của thị trường) và giữ ở mức đó, không cắt giảm ít nhất tới hết năm 2023.
Bà dự đoán các đợt tăng lãi suất sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, ở dưới xa mức 2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và thị trường tài chính vẫn biến động. Lạm phát của Mỹ sẽ giảm xuống 5-6% trong năm nay và sau đó tiến gần hơn đến mục tiêu của Fed (2%) trong những năm tiếp theo.
Thế giới điêu đứng
Theo Bloomberg, chỉ cách đây vài tháng, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được coi là tài sản trú ẩn của các thị trường mới nổi khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và lạm phát bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhưng giờ đây, nó lại trở thành một mối nguy cho Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi.
Ngân hàng TƯ Trung Quốc đang cố giữ cho đồng NDT khỏi tụt giảm với việc liên tục ấn định tỷ giá ở mức cao. Hôm 5/9, PBOC quyết định giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc (RRR) từ 8% xuống còn 6% từ 15/9. Tuy nhiên, các biện pháp của Bắc Kinh chưa ngăn được đà lao dốc của đồng Nhân dân tệ.
Cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc còn đang tiếp diễn với nhiều tỉnh thành bị phong tỏa. Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận nhiều số liệu không khả quan, từ xuất khẩu cho tới lĩnh vực dịch vụ…
Theo Wind và Choice, có tới quá bán trong số hơn 4.800 doanh nghiệp niêm yết tại Sàn Chứng khoán Thượng Hải ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong nửa đầu 2022 do ảnh hưởng của đại dịch, chính sách zero-Covid và một thị trường bất động sản xuống dốc. Trong quý II/2022, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ ở mức 0,4%. Năm nay, dự kiến GDP đạt chưa tới 3%.
Dự báo đà suy giảm của đồng NDT còn tiếp tục. Đây là thông tin xấu đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, vốn đang chật vật chống lại lạm phát và tác động của một đồng USD đang ở mức mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.
Theo Goldman Sachs, Nhân dân tệ giảm giá có thể kéo theo nhiều đồng tiền giảm theo như won của Hàn Quốc, bath Thái, ringgit Malaysia…
Một đồng NDT mất giá không chỉ ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, mà còn lan sang những quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, bởi nó làm suy giảm sức hấp dẫn của hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác.
Mặc dù giảm giá nhưng về dài hạn NDT được dự báo sẽ mạnh lên. Morgan Stanley dự đoán đồng NDT xếp thứ 3 thế giới vào năm 2030, xếp sau đồng USD và Euro.
Mức độ ảnh hưởng của đồng NDT sẽ gia tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh mở cửa thị trường tài chính và xúc tiến các động thái giảm thiểu lệ thuộc vào USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn, thay vì tư duy giữ đồng NDT yếu để thúc đẩy xuất khẩu như trước đây.
Bắc Kinh cũng có chiến lược xây dựng một đồng NDT mạnh để giảm sự phụ thuộc vào USD, đặc biệt nhiều nước như Nga hay Saudi Arabia cũng có những thay đổi tương tự.
Dù vậy, trước mắt, hầu hết các đồng tiền, trong đó có NDT sẽ chịu áp lực khó tránh khỏi từ một đồng USD có xu hướng tăng mạnh và rõ ràng. Xu hướng này có thể kéo dài tới hết năm 2023 như dự báo của nhiều quan chức Mỹ.
M. Hà
Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
Đồng Nhân dân tệ tăng mạnh và tác động với Việt Nam
Chủ đề: