Đồng nhân dân tệ. (Ảnh: Getty Images).
Trong suốt nhiều năm, các chính trị gia ở Washington đã cáo buộc Trung Quốc cố tình thao túng tỷ giá, khiến nhân dân tệ rẻ đi. Họ nói rằng giá trị của nhân dân tệ nên phản ánh đúng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Điều trớ trêu là bây giờ tỷ nhân dân tệ đang thực hiện đúng yêu cầu này và lao dốc đáng kể, mất giá tới 10% so với USD trong năm nay.
Nỗi lo hiện giờ của Mỹ là sự suy yếu của Trung Quốc có thể de dọa sự ổn định trên toàn cầu. Tuần trước, đồng nội tệ của Trung Quốc trong phút chốc đã mất mốc 7 nhân dân tệ/USD. Cú giảm này có ý nghĩa tâm lý và địa chính trị quan trọng và ngay lập tức gợi nhớ đến hai sự kiện tài chính nguy hiểm nhất trong thế kỷ 21 đối với Trung Quốc.
Đầu tiên là khủng hoảng Lehman Brothers năm 2008, khi các quan chức từ Washington đến Tokyo lo rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải giảm giá nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Tiếp theo là cảnh tượng hỗn loạn tài chính ở Thượng Hải, khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc 30% trong vòng ba tuần từ tháng 7 đến tháng 8/2015.
Ngay cả các chính trị gia Mỹ hay phàn nàn Trung Quốc có lẽ cũng sẽ phải thừa nhận rằng việc nhân dân tệ suy yếu là hệ quả tất yếu của tình hình kinh tế. Nền kinh tế lớn nhất châu Á đang đối mặt với khủng hoảng bất động sản đúng lúc chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt vùi dập tốc độ tăng trưởng.
Theo tờ Nikkei Asia, đồng nhân dân tệ đáng ra còn phải giảm nhanh hơn. Sức mạnh của đồng tiền này chủ yếu là nhờ vào các động thái quyết đoán của Bắc Kinh nhằm ổn định tỷ giá. Nhân dân tệ càng mất giá thì nguy cơ các nhà phát triển bất động sản khổng lồ của nước này vỡ nợ trái phiếu USD càng gia tăng. Rủi ro Trung Quốc nhập khẩu lạm phát cũng vậy.
Những kịch bản trên là lý do vì sao Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục ấn định tỷ giá nhân dân tệ hàng ngày cao hơn thị trường. PBoC đang cố chặn đà giảm của nhân dân tệ.
Trung Quốc không phải nước duy nhất ra sức hỗ trợ đồng nội tệ. Tại Tokyo, ngân hàng trung ương Nhật Bản đang liên lạc với các đại lý giao dịch ngoại hối để “kiểm tra” tỷ giá yen. Thông thường, hành động này báo hiệu rằng Bộ Tài chính Nhật Bản sắp can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Tại Seoul, ngân hàng trung ương Hàn Quốc được cho là đang yêu cầu các đại lý cập nhật diễn biến giao dịch đồng won hàng giờ.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhân dân tệ, yen và won đồng loạt rớt giá trước USD là bởi chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Châu Á thường là bên chịu thua thiệt trong những chu kỳ thắt chặt chính sách lớn của Fed.
Các đợt tăng lãi suất năm 1994-1995 của Fed đã góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính 1997-1998 ở châu Á. Các nhà kinh tế bao gồm ông Jim O’Neill, cựu chuyên gia của Goldman Sachs và giáo sư Nouriel Roubini của Đại học New York đã cảnh báo nguy cơ các nước châu Á sẽ gặp lại rắc rối về tỷ giá như quá khứ.
Mối lo trước mắt là đồng yen rơi xuống hoặc vượt quá mốc 150 yen/USD. Động thái này có thể sẽ thúc đẩy các quan chức ở Bắc Kinh, Seoul và Đông Nam Á đua nhau phá giá tiền tệ, khiến các thị trường khác hoảng sợ.
Đây chính là kịch bản mang tính chất hủy diệt lẫn nhau mà các nhà hoạch định chính sách châu Á phải cân nhắc. Cái giá của những động thái này sẽ là lạm phát bùng nổ, dòng vốn toàn cầu tháo chạy và mất mát uy tín.
Các kho dự trữ ngoại hối ở châu Á đang cạn kiệt nhanh hơn nhiều đà tăng của tỷ giá thị trường. Gần đây, Standard Chartered cảnh báo rằng dự trữ ngoại hối của các nước châu Á tính theo tỷ trọng GDP, trừ Trung Quốc, đang thấp hơn bao giờ hết kể từ năm 2008.
Điều này có nghĩa là bộ giảm xóc của các nước châu Á sẽ rất yếu nếu sự hỗn loạn quay trở lại thị trường toàn cầu trong giai đoạn cuối năm 2022. Các rủi ro xuất hiện ở khắp nơi, từ biến chủng COVID-19 mới cho đến áp lực lạm phát gây ra bởi chiến sự Nga-Ukraine và nguy cơ Fed tăng lãi suất quá đà.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang tự làm hư hại động cơ thương mại lớn nhất toàn cầu. Các đợt phong tỏa hà khắc đang triệt tiêu tăng trưởng tương lai và “đóng băng” sự phát triển của Trung Quốc.
Chiến dịch siết chặt quản lý lên các ngành nghề sáng tạo nhất của nền kinh tế, bắt đầu với Alibaba, đã gây tác động tiêu cực lên nỗ lực xây dựng lĩnh vực dịch vụ sôi động. Nhưng quyết tâm gắn bó với “Zero COVID” của Chủ tịch Tập Cận Bình còn đẩy Trung Quốc ra xa khỏi cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu hơn nữa.
Ông Adam Slater, nhà kinh tế cấp cao của Oxford Economics dự đoán hỗn hợp chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc trong thập kỷ này giảm còn 4,5% – và xuống 3% trong thập kỷ kế tiếp. Điều này có nghĩa là các nền kinh tế từ Mỹ đến Hàn Quốc không còn phải quá lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc nữa.
Đối với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng trên không tồi. Nhưng với một đất nước đang già hóa nhanh chóng, có khối nợ lớn và nhà nước đóng vai trò quan trọng như Trung Quốc, chúng mang đến sự đình trệ kinh tế.
Ông Tập vẫn có khả năng lật ngược tình thế. Nếu được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba, ông có thể sử dụng quyền lực đó để xoay chuyển tình hình kinh tế Trung Quốc một cách ấn tượng.
Tuy nhiên, đà giảm của nhân dân tệ cho thấy ít người tin rằng ông Tập sẽ bất ngờ thực hiện các cải cách táo bạo. Nếu nhà lãnh đạo này muốn xóa bỏ sự bi quan đó, giờ chính là lúc tốt nhất để bắt đầu.
Giang