Trở lại trang chủ
Cụ thể, trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ suy giảm trong năm 2023.
Nguyên nhân là do triển vọng xuất khẩu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Khu vực FDI chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 19% GDP (2021).
Khu vực FDI bình quân đóng góp 1,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế 2015-19. Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu (2022). Khu vực FDI trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu lao động (24% tổng lao động có việc làm của nền kinh tế, 2021).
Chu kỳ đi xuống của bất động sản sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 3,7% GDP (2022), bình quân đóng góp vào 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế trong 2015-19. Tuy nhiên, bất động sản là một ngành có tính lan toả rộng với hệ số lan toả cao. Những ngành nghề có liên quan trực tiếp nhiều nhất với bất động sản gồm xây dựng (6,6% GDP) và tài chính – ngân hàng (5,4% GDP).
Niềm tin tiêu dùng, đầu tư vừa mới phục hồi sau Covid-19 sẽ suy yếu trở lại. Khó khăn của thị trường bất động sản sẽ kéo giảm niềm tin tiêu dùng, đặc biệt là đối với tiêu dùng hàng lâu bền và hàng hoá không thiết yếu. Lãi suất huy động tăng kèm theo rủi ro ở các kênh đầu tư khác khiến cho nhu cầu tiết kiệm tăng lên. Chi phí vay cao hơn cũng giảm động lực vay tiêu dùng và đầu tư mới.
Yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng gồm GDP toàn cầu dự kiến tăng 2,1% trong năm 2023, với các nước khu vực châu Á là động lực tăng trưởng chính. Khu vực này (bao gồm Trung Quốc) chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam dự kiến sẽ không suy thoái hoặc chỉ suy thoái nhẹ trong năm 2023 trong kịch bản cơ sở.
Lạm phát trong tầm kiểm soát là yếu tố hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa, tăng lương cơ bản được thực hiện vào tháng 07/2023 dự kiến sẽ không tác động nhiều đến lạm phát nhưng có thể hỗ trợ một phần cho tiêu dùng trong nửa cuối năm. Sự chuyển biến tích cực trong chính sách: 1) chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát và 2) sự cải thiện trong tốc độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,6%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của Chính phủ và dự báo chung hiện tại là 6,2%. Kịch bản bi quan – lạc quan đối với tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,1% – 6,0%. Q1/2023 vẫn còn hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ, tăng trưởng sẽ suy giảm mạnh hơn trong Q2-Q3 và phục hồi trở lại trong Q4 nhờ sự điều hướng trong chính sách.
Chứng khoán MBS cũng cho rằng giai đoạn 2020 – 2023 nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19 với các biện pháp giãn cách xã hội khiến tăng trưởng giảm sâu trước khi phục hồi mạnh mẽ lên mức 8,02% của năm 2022 nhờ nền kinh tế được bình thường hóa. Sang năm 2023, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tốt song sẽ giảm tốc xuống mức 6% do kinh tế thế giới đi vào pha suy thoái khi lạm phát và lãi suất cao.
Trái ngược với dự báo trên của các công ty chứng khoán, Phòng nghiên cứu và phân tích Công ty CP FIDT cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ dao động trong khoản 5,8 – 7,2%, cao hơn phần lớn các nước trong khu vực và mục tiêu được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc FIDT, triển vọng kinh tế có sự khác nhau giữa 6 tháng đầu năm và cuối năm. Trước hết, cho đến ít nhất là tháng 6/2023, Fed và ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Trong tương lai, điều này sẽ làm tăng lãi suất, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường lao động và hạn chế sự phát triển kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong các quý tới do nhu cầu tại hai khu vực này sụt giảm.
Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam bao gồm may mặc, luyện kim, hóa chất và điện tử, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc nên sự tăng trưởng và tốc độ mở cửa trở lại tại thị trường này cũng có tác động lớn đến khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong 2023. Cuối cùng, từ giữa năm 2023, các chính sách sẽ bắt đầu tốt dần lên về cuối năm sau khi lạm phát được khống chế.
Chứng khoán VnDirect cho rằng xung lực tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2023. Việt Nam sẽ đối mặt các thách thức do tăng trưởng xuất khẩu thấp, môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới vẫn ở mức cảnh báo, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở mảng BĐS trong năm 2023.
Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 không nhiều, bao gồm: khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, VnDirect dự báo GDP 2023 tăng 6,7%, cao hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, song thấp hơn mức ước tính 7,9% năm 2022. Ngoài ra, lộ trình mở cửa của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh FDI giữa các nước trong khu vực là những biến số quan trọng đối với triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4-2022 và triển vọng 2023, do bộ phận Global Economics & Markets Research của Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện và công bố ngày 3/1 vừa qua, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, nhất quán với dự báo chính thức là 6,5%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%. Đây là triển vọng lạc quan so với triển vọng khá u ám ở những nền kinh tế khác.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050