23/08/2022, 04:05
Câu chuyện xây dựng thương hiệu Eximbank – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam được gắn với hàng loạt vấn đề nóng. Từ việc nội bộ ngân hàng Eximbank ảnh hưởng đến thương hiệu, đến những hoạt động kinh doanh liên tục gặp phải khó khăn dẫn đến lợi nhuận tăng giảm thất thường.
Eximbank được thành lập vào ngày 24/05/1989 theo quyết định số 140/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi đầu tiên là Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Vietnam Export Import Bank), là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đầu tiên của Việt Nam.
Ngân hàng chính thức đi vào hoạt động ngày 17/01/1990. Ngày 06/04/1992, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký giấy phép số 11/NH-GP cho phép Ngân hàng hoạt động trong thời hạn 50 năm với số vốn điều lệ đăng ký là 50 tỷ đồng VN tương đương 12,5 triệu USD với tên mới là Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Vietnam Export Import Commercial Joint – Stock Bank), gọi tắt là Vietnam Eximbank.
Đến nay vốn điều lệ của Eximbank đạt 12.335 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 13.317 tỷ đồng. Eximbank hiện là một trong những Ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối Ngân hàng TMCP tại Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam có địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước với trụ sở chính đặt tại TP. Hồ Chí Minh và 207 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc và đã thiết lập quan hệ đại lý với 869 Ngân hàng tại 84 quốc gia trên thế giới.
Bức tranh tài chính của Eximbank
Năm 2012, với tổng tài sản hơn 170.000 tỷ đồng, Eximbank là một trong những nhà băng tư nhân có quy mô tài sản nhất thị trường khi đó. Chỉ số tài chính dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng đạt gần 75.000 tỷ, tiền gửi của khách hàng đạt trên 58.000 tỷ đồng.
Quy mô của Eximbank khi đó tương đương với ACB (176.000 tỷ); MBBank (175.600 tỷ); Sacombank (152.000 tỷ); Techcombank (180.000 tỷ) … Thậm chí, ngân hàng cũng thường xuyên nằm trong top 3 lợi nhuận khối tư nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi cựu Chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục “vùng vẫy” trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng. Đến năm 2019, lợi nhuận của Eximbank đạt 866 tỷ đồng, nếu so với con số đạt được trong năm 2011, mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%.
Trong hai năm 2019 và 2020, Eximbank nhiều lần thông báo tổ chức đại hội đồng cổ đông nhưng đều bất thành. Đáng chú ý, ở đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 3, tổ chức ngày 21/6/2019 bất thành dù số cổ đông tham dự vượt ngưỡng 51% cổ phần có quyền biểu quyết và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự.
Bên cạnh đó, hàng loạt vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra tại Eximbank suốt thời gian dài. Điển hình như vụ đại gia Chu Thị Bình bị “bốc hơi” 245 tỷ đồng hay nhiều vụ mất tiền trong tài khoản, kiện cáo liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Đặc biệt, do thiếu phối hợp trong chỉ đạo điều hành, mất đoàn kết,… Eximbank không tổ chức được đại hội đồng cổ đông, vì vậy đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, hình ảnh của đơn vị niêm yết, suy giảm nghiêm trọng lòng tin của cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài, tạo dư luận không tốt.
Thực tế, nhiệm kỳ 2015-2020, Eximbank từ một nhà băng dẫn top đầu, đã nhanh chóng trở thành một ngân hàng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những “đàn em” một thời như OCB, TPBank, VIB…
Mới đây, Eximbank công bố báo cáo tài chính (BCTC) với lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt gần 1.100 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chất lượng nợ vay suy giảm khi Nợ có khả năng mất vốn tăng 36,5 % so với đầu năm.
Trong quý II/2022, các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động chính thu về 1.417,5 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 44,1%.
Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng thu về kết quả đáng kể. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 46,6% đạt hơn 124,3 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16,2% đạt gần 119 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về lãi lớn hơn 89,4 tỷ đồng gấp 12 lần so so với cùng kỳ năm ngoái; lãi hoạt động khác tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ, đạt mức 276 tỷ đồng.
Eximbank phải chi gần 130 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2, tăng 6% so với cùng kỳ, giảm mạnh đến 73,3% so với đầu năm. Do đó Eximbank báo lãi sau thuế hơn 871 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản Eximbank tăng 5,4% so với đầu năm, lên mức 174.582,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 12,4% lên mức 3.815 tỷ đồng; tiền gửi các tổ chức tín dụng khác tăng 8% lên mức 27.225 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528,1 tỷ đồng.
Nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng đạt mức 141.494,7 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; tiền gửi và vay của các TCTD khác tăng 40,8% đạt 10.727,6 tỷ đồng.
Cuối quý II, tổng nợ xấu của Eximbank tăng lên 4,3% so với đầu năm lên mức 2.343,6 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng cao lên mức 36,5% ở mức 1.852 tỷ đồng, chiếm tới 79% trên tổng nợ xấu.
Tháng 08/2022, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank được giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn gửi. Lãi suất huy động trong tháng này vẫn nằm trong khoảng 3,4 – 6%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn 1 – 60 tháng và có lãi suất cao nhất là 6%/năm được áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn 15 – 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn 1 – 3 tuần, Eximbank huy động lãi suất ở mức không đổi là 0,2%/năm, và lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm.
“Sóng gió” nội bộ Eximbank liệu đã được dẹp yên?
Sau gần 3 năm không thể tiến hành họp đại hội cổ đông từ 2019 do sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau như lời Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Yasuhiro Saitoh, phiên họp đại hội cổ đông của ngân hàng Eximbank ngày 15/2 cuối cùng đã diễn ra với nội dung quan trọng nhất là bầu ban lãnh đạo mới. Phiên họp đại hội cổ đông lần này của Eximbank kéo dài gần 8 giờ từ 9h sáng đến gần 17h do phải lấy ý kiến các nội dung tồn đọng trong gần 3 năm qua khi những lần họp trước bất thành.
Quyết định bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT Eximbank được HĐQT mới đưa ra và có hiệu lực từ ngày 17/2. Đây là lần thứ hai bà Tú được bầu ở vị trí này. Nhưng ở lần được bổ nhiệm hồi tháng 3/2019, quyết định chưa ráo mực đã vấp phải những tranh cãi khi ông Lê Minh Quốc – người tiền nhiệm – khởi kiện. Sau đó tòa án đề nghị ngừng thực hiện bổ nhiệm này.
Tất cả 7 nhân sự trong danh sách đề cử HĐQT mới của Eximbank đều trúng cử. Trong đó, người nhận được số phiếu cao nhất là ông Võ Quang Hiển, do cổ đông lớn Nhật Bản SMBC đề cử. Người có số phiếu cao thứ hai là ông Nguyễn Hiếu, nhân sự do nhóm cổ đông liên quan công ty Âu Lạc đề cử.
Các thành viên HĐQT khác của Eximbank được bầu gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương, ông Nguyễn Thanh Hùng.
Trong đó, bà Hồng Anh và ông Đại do nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công đề cử, nhận được số phiếu bầu tương ứng 92% và 83% cổ phần có quyền biểu quyết. 3 thành viên còn lại gồm bà Tú, ông Hùng và bà Phương nhận được số phiếu tương đồng nhau – hơn 60% cổ phần có quyền biểu quyết.
Bà Tú nguyên là CEO Ngân hàng Nam Á (NamABank) và là thành viên duy nhất trong HĐQT Eximbank nhiệm kỳ cũ tiếp tục tham gia ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Bà Phương do nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch NamABank, đề cử.
Còn ông Hùng do ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital, đề cử và bản thân cũng đang là Phó chủ tịch Bamboo Capital. Bản thân ông Nam cũng tham dự suốt gần 9 tiếng họp ngày 15/2 và ở lại đến khi kết thúc.
Đáng chú ý, Bamboo Capital có mối quan hệ tín dụng mật thiết với chính NamABank khi mà NamABank hiện là một trong những chủ nợ lớn nhất của tập đoàn do ông Nguyễn Hồ Nam làm Chủ tịch.
Đại hội cổ đông Eximbank cũng bầu ra Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới với 3 thành viên, trong đó có 2 nhân sự mới và 1 người ở lại. Các thành viên ban kiểm soát cũng do những nhóm cổ đông lớn đề cử.
Tuy nhiên, phần lớn tờ trình tại đại hội không được thông qua với số phiếu đồng ý chưa đến 50% số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch phân phối lợi nhuận các năm trước, kinh phí hoạt động, thù lao của HĐQT, BKS và đặc biệt là chủ trương đầu tư dự án trụ sở Eximbank tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng không được cổ đông thông qua.
Khu đất này thuộc sở hữu của Eximbank, có giá trị cao nhưng đang để lãng phí, không phát huy hiệu quả. Lô đất có diện tích hơn 3.500 m2, từng được UBND TPHCM chấp thuận quy hoạch chức năng hỗn hợp văn phòng – khách sạn – căn hộ, cao 40 tầng vào năm 2011. Tuy nhiên, các giấy tờ pháp lý về quy hoạch hiện nay không còn giá trị hiệu lực theo quy định và Eximbank cho biết việc đầu tư tòa nhà với chức năng hỗn hợp cũng không phù hợp với giấy phép hoạt động, nhu cầu hiện tại của ngân hàng.
HĐQT Eximbank muốn tái khởi động dự án, xây dựng tòa nhà làm văn phòng của hội sở và các đơn vị thành viên. Theo HĐQT, việc này vừa giúp ngân hàng ổn định hoạt động, xây dựng hình ảnh, nâng tầm thương hiệu đồng thời tiết kiệm số tiền lớn hơn 30 tỷ đồng/năm chi cho hoạt động thuê văn phòng làm trụ sở hiện nay.
Hoàng Thăng – Lê Pháp
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ký ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt kết quả đột phá, đưa ngành Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Tỷ trọng và chỉ số sản xuất nhóm ngành chế biến, chế tạo ngày càng tăng cao, năm 2022 đạt 117,22%, tăng 17,22% so với cùng kỳ.
Theo tính toán của Ernst & Young trong báo cáo về tình hình IPO toàn cầu công bố giữa tháng 12/2022, giá trị các đợt IPO giảm đến 94% vào năm 2022, giảm đáng kể từ mức 155,8 tỷ USD xuống còn 8,6 tỷ USD trong năm vừa rồi. Trong quý IV/2022 chứng kiến sự sụt giảm của hoạt động IPO sâu nhất trong năm.
Tối 31/12, Hội chợ Khuyến mại Bình Định – 2022 đã kết thúc. Qua 09 ngày tổ chức, Hội chợ đã thu hút trên 45.000 lượt khách hàng, người tiêu dùng tham quan, mua sắm.
Những quy định mới có hiệu lực như 04 phương thức tra cứu thông tin cư trú công dân do bỏ sổ hộ khẩu giấy, tiêu chí nhập khẩu máy in,…. 04 luật có hiệu lực gồm Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Cảnh sát Cơ đông, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.
Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận của cơ quan Trung ương Hiệp hội Vatap
Tòa soạn: Ngõ 118/8/12 Nguyễn Khánh Toàn – Quan Hoa – Cầu Giấy – Hà Nội
Email: [email protected] – ĐT: 024. 38398452
Tổng Biên Tập: Vũ Đức Thuận
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 64/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/2/2020.
Bản quyền thuộc Tạp chí Thương hiệu và Công luận. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.