Du lịch Việt đi trước, về sau
Theo thông tin từ Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP khoảng 10%. Trong đại dịch, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 2,1% GDP vào năm 2021. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này. Chúng ta chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỷ USD. Cho rằng đây là điều đáng suy ngẫm, theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua có tăng trưởng tốt, kinh tế khu vực ngoại cũng khá tốt. Duy có du lịch quốc tế có vấn đề. Cơ hội của chúng ta khi mở cửa là tốt nhất thế giới vì chúng ta an toàn nhất sau dịch, có khát vọng bùng nổ du lịch rất mạnh, tài nguyên du lịch tốt… Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ”.
Ông Chris Farwell, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh nêu ý kiến: “Chúng ta có thể mừng vì số khách du lịch nội địa đạt hơn 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch. Trước dịch Covid-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD trong số 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Đáng nói nữa là, mặc dù Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam thực sự đón được nhiều lượt khách đến hơn”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ? Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau Covid-19?
Lỗi từ đâu?
Trả lời cho hàng loạt câu hỏi trên, các chuyên gia đưa ra hàng loạt phân tích. TS Lương Hoài Nam lý giải: “Du lịch nội địa của chúng ta phát triển rất tốt vì không có rào cản visa như du lịch quốc tế. Du lịch nội địa là thị trường của ta, không có cạnh tranh. Đây là hai vấn đề mấu chốt dẫn đến bức tranh du lịch nội địa khá sáng và quốc tế khá tối. Theo tôi, visa là vấn đề quan trọng nhất và cần được tháo gỡ sớm”. Ngoài vấn đề visa, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel bổ sung: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Chúng ta cần đặt vấn đề khi khách quốc tế đến chúng ta có người làm không, hệ thống dịch vụ có phục vụ nổi không? Chúng ta đang có Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, vậy sau dịch, ban này đã họp mấy lần, ra được quyết sách gì chưa? Chúng ta nói rằng chúng ta mất khách ở các thị trường lớn như Nga, Trung Quốc. Nhưng vừa rồi, Thái Lan họ vẫn đón được khách từ Nga sang. Bản thân doanh nghiệp phải cố gắng để tự cứu mình nhưng họ cũng cần thêm oxy là vốn và môi trường hoạt động là các chính sách được thiết kế đầy đủ. Những gói tài chính Chính phủ hỗ trợ bao nhiêu doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, chúng ta đã có đánh giá chưa? Rõ ràng, chính sách phải đồng bộ bởi không một ngành nào có thể một mình giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần gỡ từ cơ chế, chính sách đến hệ thống dịch vụ, hệ thống vận chuyển, lưu thông…”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Mekong Rustics nhận định: “Lâu nay, các điểm du lịch lớn chỉ tập trung xây khách sạn mà tour không có gì. Du khách quốc tế không biết sản phẩm của chúng ta sau Covid-19 là gì. Nhu cầu của họ cũng đã thay đổi sau dịch, không còn như năm 2019 nữa, chúng ta đã có những thay đổi để phù hợp chưa? Chưa kể, khách đến đông thì ai phục vụ, chúng ta truyền thông các điểm đến, sản phẩm du lịch thế nào? Vừa rồi, công ty tôi tuyển dụng rất nhiều nhưng rất khó tìm được người phù hợp. Hai năm họ ở nhà thì hiện nay đến việc đơn giản là muốn họ cười với khách thôi cũng đã rất khó rồi”. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines lại nhấn mạnh vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Ông cho biết: “Sau dịch Covid-19, chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc của các đại lý nước ngoài rằng du lịch Việt Nam đã đón khách chưa? Rõ ràng, các thị trường du lịch của chúng ta đang thiếu thông tin về thị trường Việt Nam và sự sẵn sàng của Việt Nam. Chúng ta tổ chức nhiều chương trình phát động du lịch ở Việt Nam trong khi thị trường của chúng ta lại ở nước ngoài”.
Có thể thấy, nhìn ở khía cạnh nào cũng thấy chúng ta còn những điểm yếu cần khắc phục. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng có lẽ là cách tốt nhất để đưa du lịch Việt Nam phát triển thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước, nhân dân.
Bài và ảnh: TƯỜNG PHƯƠNG
Tối 22-12, tại Khu du lịch Vinwonders Nam Hội An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 và khai mạc Năm Quốc gia khởi nghiệp – Quảng Nam 2023.
Toà soạn: Số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội
Điện thoại: (84 – 24) 3747 1748 / 3747 1029
Fax : (84 – 24) 3747 4913
E-mail : dientu@qdnd.vn;
dientubqd@gmail.com
Giấy phép số: 259/GP – BTTTT ngày 12-5-2021
© 2020 Bản quyền thuộc Báo Quân đội nhân dân
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Quân đội nhân dân