Trở lại trang chủ
Thống kê từ FiinTrade cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua từ ngày 19-23/12/2022, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức vào ròng gần 484 tỷ đồng, tập chung chủ yếu ở quỹ ETF ngoại nhưng mức độ vào ròng đã suy yếu đáng kể.
Cụ thể, các quỹ ETF nước ngoài vào ròng gần 529 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với tổng mức vào ròng tuần trước đó. Cụ thể, dòng vốn đến từ Mỹ gồm quỹ VanEck Vietnam ETF và quỹ Ishares MSCI Frontier and Select EM ETF vào ròng gần 142 tỷ đồng, giảm hơn 4,5 lần so với tổng mức vào ròng trước đó tương đương với hơn 494 tỷ đồng.
Cùng với đó, vẫn ghi nhận dòng tiền vào ròng của các quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF lần lượt là 286,8 tỷ đồng và 99,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, riêng trong ngày đầu tuần cuối cùng của năm 2022 – tức ngày 26/12/2022, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF rút ròng nhẹ 5 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi vào ròng gần 1 tháng trở lại đây. Quỹ VFMVN Diamond ETF cũng ghi nhận tình trạng tương tự với giá trị rút ròng gần 3,8 tỷ đồng.
Các quỹ ETF trong nước rút ròng 45 tỷ đồng. Trong đó, các quỹ VFM VN30 ETF, quỹ MAFM VN30 ETF và quỹ SSIAM VNX50 ETF rút ròng hơn 118 tỷ đồng. Ngược lại, các quỹ VFMVN Diamond ETF, quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF và quỹ Kim Growth VN30 ETF vào ròng.
Thực tế, dòng vốn vào Fubon ETF đã chững lại từ một hai tuần gần đây. Quan sát cho thấy, tuần đầu của tháng 12, quỹ này vào ròng gần 1.200 tỷ đồng nhưng sau đó tốc độ giảm dần chỉ còn 200-300 tỷ đồng/một tuần.
Lý giải về xu hướng này, theo giới chuyên môn, trước đó, thời điểm cuối tháng 11/2022, Fubon được cấp phép huy động thêm 4.000 tỷ đồng, trong thời điểm đó họ đẩy mạnh giải ngân nên thị trường chứng kiến làn sóng ồ ạt dòng tiền ngoại đổ vào cổ phiếu. Tuy nhiên, khi một lượng lớn đã được giải ngân ra thị trường rồi số vốn còn lại không còn nhiều nữa nên giá trị mua ròng giảm đi.
Chưa kể, cuối năm thông thường là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài có kỳ nghỉ kéo dài do đó trước khi nghỉ lễ họ tập trung giải ngân mạnh thường là vào tuần đầu tiên của tháng 12 và sau đó giá trị mua giảm dần.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân của Công ty CP Chứng khoán Yuanta kỳ vọng sau thời điểm Tết Dương lịch, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đồng đô la hạ nhiệt, rủi ro hệ thống ngân hàng ngày càng ổn định trở lại sẽ tiếp tục kích thích dòng vốn nước ngoài đổ vào.
“Các ETF đang được bơm ròng lớn, tương lai các quỹ bị động có thể là dòng vốn lớn đổ vào thị trường, chiếm tỷ trọng cao. Nhiều quỹ đã tăng quy mô, tổng tài sản đáng kể, có quỹ lên tới 800-900 triệu USD”, ông Minh kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon FTSE cho biết, số lượng người đầu tư của Fubon Vietnam ETF tiếp tục đạt mức cao kỷ lục, tính đến tháng 10/2022, tổng số người đầu tư đã tăng từ 10.643 tại thời điểm thành lập lên 125.564. Tương đương lượng nhà đầu tư đã tăng thêm 114.921 người, tốc độ tăng trưởng cao tới 1080%. Do chi phí lao động thấp, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, và được hưởng lợi từ chuyển giao thương mại Trung-Mỹ, sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.
“Thời điểm tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 là cơ hội để quỹ giải ngân vào chứng khoán Việt Nam”, đại diện quỹ nhấn mạnh.
Thống kê từ VnDirect cho thấy, các quỹ ETF đã ghi nhận dòng vốn vào ròng với giá trị đạt 12.636 tỷ đồng tương đương 537 triệu USD vào Việt Nam trong Q4/2022 so với chỉ 6,4 tỷ đồng trong Q3/2022.
Trong số các quỹ ETF, Fubon ETF có dòng tiền vào ròng lớn nhất trong Q4/22 với 5.252 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 41% tổng dòng vốn, tiếp theo là VNDiamond ETF với 2.890 tỷ đồng chiếm 22,6% tổng dòng vốn và V.N.M ETF với 2.762 tỷ đồng chiếm 21,6% tổng dòng vốn.
Trong năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỷ đồng tương đương 880 triệu USD, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự đóng góp lớn của Fubon ETF (~53,2% tổng dòng vốn vào) và ETF VNDiamond (32,8% tổng dòng vốn vào). Dòng vốn vào ròng của các ETF chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050