TP HÀ NỘI _°C /_%
Bùng nổ ứng dụng nhờ cloud
Chia sẻ về tương lai của internet, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud tại Việt Nam, cho biết sự phát triển của internet hỗ trợ sự phát triển của cloud và thế giới đã trải qua 3 làn sóng cloud, tương ứng với từng làn sóng là những ông lớn công nghệ ra đời.
Làn sóng cloud đầu tiên cách đây 17-18 năm, khi trên thế giới xuất hiện các công ty công nghệ như Salesforce, Google. Họ hoạt động rất thành công nhưng không ai họ có bao nhiêu server (máy chủ) đang chạy trên thế giới, chỉ biết họ cung cấp dịch vụ dưới dạng software (phần mềm), nó vẫn chạy rất ổn định, nhưng chẳng biết khi nào nó chết. Điều này khơi mào làn sóng đầu tiên của điện toán đám mây.
Làn sóng thứ hai xuất hiện khi tất cả các công ty cung cấp dịch vụ cloud hướng khách hàng của họ “lên mây”, hay nói cách khác là mô phỏng của làn sóng thứ nhất nhưng dành cho khách hàng doanh nghiệp. Cisco, Microsoft và rất nhiều hãng làm điện toán đám mây nhưng hơn 90%, thậm chí 97-98% giải pháp đều nằm ở dịch vụ cơ sở hạ tầng. Làn sóng này diễn ra trong khoảng 1 thập kỷ.
3-5 năm gần đây, cloud đang ở trong làn sóng thứ 3. Lúc này, câu chuyện về PAAS (nền tảng dưới dạng dịch vụ), SAAS (phần mềm dạng dịch vụ) lại trở thành yếu tố chính. Ví dụ ở Google hiện có khoảng 200 máy chủ nhưng nếu nói riêng dịch vụ cơ sở hạ tầng thì chỉ khoảng 20. Có nghĩa gần 200 máy chủ không phải là hạ tầng.
“Làn sóng cloud thứ 3 sẽ mang lại đổi thay cho internet thế giới và Việt Nam. Đối với các nhà phát triển sản phẩm trở nên đơn giản như lắp ghép lego, tức có sẵn những mảnh ghép, chúng ta chỉ cần ghép lại. Chúng ta tập trung vào xây dựng sản phẩm chứ không phải xây dựng hạ tầng”, ông Nguyễn Đức Toàn nhận định.
Ngoài ra, theo lãnh đạo của Google Cloud Việt Nam, thay đổi về công nghệ cũng dẫn đến thay đổi về mặt người dùng. Trong những năm tới, dịch vụ trên internet ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và BigData (dữ liệu lớn) sẽ ảnh hưởng lớn đến với người dùng đầu cuối.
Ví dụ cách đây 2 năm, rào cản ngôn ngữ trên thế giới rất lớn, nhưng giờ trên Youtube, tất cả các phụ đề dịch đều được thực hiện bởi AI và khá chính xác. Công nghệ này xuất phát từ nền tảng Google xử lý BigData.
Trước đây, việc dịch giữa ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác tỷ lệ chính xác cao nhất là 55% với điều kiện 2 ngôn ngữ cùng nhóm với nhau, ví dụ dịch từ Tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha rất dễ, nhưng từ tiếng Anh sang tiếng Phạn rất khó.
Nhưng trong năm 2021-2022, Google đạt được bước tiến lớn là dịch ngôn ngữ dựa trên bối cảnh từng từ, chứ không phải từng câu. Điều này sản sinh ra lượng tính toán vô cùng lớn, nhưng vẫn giải quyết được nhờ điện toán đám mây. Trong giai đoạn tới, internet mọi người sẽ tiếp tục nhìn thấy internet xóa nhòa rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Người dùng sẽ có nhiều ứng dụng hơn.
Ở Việt Nam, đại diện Google cho biết đây là thị trường mà hãng rất coi trọng. Do đó, tiếng Việt cũng được ưu tiên trong danh sách sản phẩm của Google. Google Search sẽ có riêng phiên bản bằng tiếng Việt, Google Map sẽ ngày càng chính xác hơn.
Internet Việt Nam thay đổi chóng mặt
Cách đây 25 năm, Việt Nam có quyết định chiến lược là mở cửa và kết nối internet toàn cầu, đem lại sự phát triển vượt bậc cho kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, số lượng người dùng internet Việt Nam không ngừng tăng lên, từ 200 nghìn người vào năm 1997 đến 3 triệu người năm 2022, và 20 triệu người năm 2007, gấp 7 lần và chiếm 24% dân số cả nước. Đến nay, Việt Nam đã có 72,1 triệu người dùng internet, xếp thứ 13 thế giới.
Hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang triển khai 100% tới tất cả các xã, phường thị trấn, trường học. Việt Nam hiện có 94,2 triệu thuê bao smartphone di động. Số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm tỷ lệ 74,3% dân số.
Về thực trạng tài nguyên Internet, Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mức độ sử dụng địa chỉ IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng, lọt top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.
“Internet Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng mặt. Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, ông Paul Wilson, Giám đốc Trung tâm thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương nhận định.
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ DOANH NHÂN TRẺ
Diễn đàn của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Chủ nhiệm: GS.TS Vũ Văn Hiền
Tổng biên tập: Đào Ngọc Dũng
Giấy phép báo chí số 551/GP-BTTTT cấp ngày 27.8.2021
Bản quyền thuộc về Tạp chí Doanh nhân trẻ.
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Tòa soạn: 66 Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (024) 320 66 279
Văn phòng phía Nam: 275B Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM
Điện thoại: (028) 6277 1479
Email: [email protected]