Thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Ngày 18/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Trước đó trong buổi sáng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất từ sau Phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh PCTNTC tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới.
Nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can).
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can; đã kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/66 bị cáo.
Các Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Ủy viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ)…
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng; các địa phương đã miễn nhiệm 1 Chủ tịch HĐND tỉnh, 2 Chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận. Các cơ quan chức năng qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 498 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó riêng ngành Thanh tra, Kiểm toán chuyển 325 vụ việc.
Bộ Công Thương đề nghị hải quan cho 5 doanh nghiệp tiếp tục nhập xăng dầu
Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét để 5 thương nhân đầu mối được tiếp tục nhập xăng dầu, đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Đây là các doanh nghiệp hồi tháng 8 bị thanh tra Bộ Công Thương xử phạt hành chính và phạt bổ sung tước giấy phép tạm thời một tháng. Các doanh nghiệp này ở khu vực phía Nam, gồm: Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu.
Mặc dù từ 6/9, 5 doanh nghiệp này được Bộ Công Thương tạm dừng áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép, nhưng họ vẫn chưa được hải quan cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xem xét để các thương nhân đầu mối trên được tiếp tục kinh doanh, phục vụ sản xuất và đời sống người dân trong mọi tình huống, đảm bảo hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định.
Theo lý giải của cơ quan hải quan, vì Bộ Công Thương chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ hoặc tạm đình chỉ thi hành các quyết định xử phạt hành chính với 5 thương nhân đầu mối, nên các quyết định xử phạt vẫn còn giá trị.
Tức là, doanh nghiệp khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu thì không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp vẫn nhập, sẽ bị phạt tiền và buộc tái xuất hàng, theo Nghị định 128/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan.
166 học sinh nhập viện nghi bị ngộ độc
Chiều 18/11, Sở Giáo dục – Đào tạo Khánh Hòa ghi nhận 166 học sinh bán trú trường Ischool được đưa vào bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa.
Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận 166 học sinh nghi bị ngộ độc, tính đến 14h ngày 18/11.
Trường Ischool có hơn 900 học sinh bán trú. Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, sau bữa trưa 17/11 có cơm, thịt gà luộc xé sợi, sốt (làm từ trứng và dầu ăn), hàng loạt em bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt. Ngay sau đó các cháu được đưa đến 5 bệnh viện. Đến trưa nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 43 em, Vinmec 22 em, Bệnh viện 22/21 nhận 32 em, Tâm Trí 25 em và Đa khoa Sài gòn – Nha Trang 26 em.
Hiện, sức khỏe các em ổn định. Sở Y tế tiếp tục điều tra số học sinh bị ngộ độc.
Đơn vị cung cấp suất ăn cho trường Ischool là hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (phường Xương Huân), hiện tại còn lưu mẫu thức ăn. Đội điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố Nha Trang phối hợp Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa lấy mẫu, gửi đi kiểm nghiệm, chưa có kết quả.
Theo thầy Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Ischool, mẫu thức ăn trưa và xế ngày 17/11 đã gửi đến Trung tâm Y tế kiểm định, tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Lãnh đạo trường cũng đến bệnh viện thăm và hỗ trợ học sinh.
Ông Lê Đình Thuần, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu nhà trường phối hợp phụ huynh và cơ sở y tế chăm sóc, điều trị các cháu; không để tình trạng xấu thêm.
Yêu cầu báo cáo mỳ Gấu Đỏ xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) bị cảnh báo vì nghi có chất cấm
Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Thực phẩm Á Châu báo cáo về sản phẩm mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu đỏ bị phía Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện hàm lượng Etylen oxit (EO) không phù hợp với tiêu chuẩn.
Ngày 15/11, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan – Trung Quốc (TFDA) công bố lô hàng 500 container (945 kg) mỳ ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ (Sour-Hot Shrime Flavor Instant Noodles) của nhà sản xuất/xuất khẩu Asia Foods Corporation do doanh nghiệp Qian Yu Food Enterprise Co., Ltd (Địa chỉ: 1 F., No. 44, Ln. 1, Xing’an Rd., 17th Neighborhood, Xinyuan Township, Pingtung County 93243, Taiwan) nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện hàm lượng Etylen oxit không phù hợp với tiêu chuẩn.
Trong đó, hàm lượng Etylen oxit được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438 mg/kg) mà còn phát hiện cả vắt mì (0,107 mg/kg).
Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Công ty CP Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mỳ ăn liền của Công ty.
Doanh nghiệp này cũng cần báo cáo đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Etylen Oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do Công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.
Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Công ty CP Thực phẩm Á Châu gửi báo cáo về Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) trước ngày 25/11/2022.
Đại sứ quán Nga tại Ba Lan bị ném bom xăng
Bộ Ngoại giao Nga thông báo đại sứ quán nước này tại Ba Lan bị tấn công bằng bom xăng và pháo sáng tuần trước, nhưng chưa rõ thủ phạm.
“Vào đêm 11/11 và ngày 12/11, những kẻ lạ mặt đã tìm cách tấn công cơ quan ngoại giao của chúng tôi ở Warsaw hai lần”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev cho biết hôm 17/11, thêm rằng những kẻ tấn công đã ném pháo sáng và bom xăng qua hàng rào đại sứ quán.
Theo ông Nechaev, cảnh sát Ba Lan khi đó chỉ “đứng quan sát” mà không tìm cách bắt nghi phạm. Ông cho rằng vụ tấn công xảy ra giữa trung tâm thủ đô Ba Lan, gần các tòa nhà chính phủ, cho thấy Warsaw đang vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.
Phó phát ngôn viên Nechaev kêu gọi Ba Lan “đảm bảo an ninh cho các cơ quan ngoại giao và lãnh sự Nga”, đồng thời yêu cầu giới chức điều tra sự việc và đưa thủ phạm ra trước công lý.
Hiện chưa rõ lý do Nga chờ gần một tuần mới công bố thông tin về vụ tấn công. Chính phủ Ba Lan chưa bình luận về tuyên bố của ông Nechaev.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, các cơ quan đại diện ngại giao ở nước ngoài của Moskva nhiều lần bị phá hoại. Tấm biển của đại sứ quán Nga tại Warsaw hôm 26/2 bị phun sơn, trong khi một số cửa sổ tòa nhà bị ném vỡ. Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreev bị tạt sơn ở thủ đô Warsaw hôm 9/5.
Tổng lãnh sự quán Nga ở khu Manhattan, thành phố New York, Mỹ, cũng bị tạt sơn đỏ hôm 30/9, cùng ngày Moskva sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Không rõ nhóm nào đứng sau vụ tấn công và cảnh sát Mỹ chưa cho biết đã khoanh vùng được nghi phạm hay chưa.
Ba Lan là một trong những nước chỉ trích Nga quyết liệt nhất về xung đột ở Ukraine. Sau khi tên lửa rơi xuống ngôi làng biên giới của Ba Lan hôm 15/11 khiến hai người chết, nước này lập tức triệu Đại sứ Nga yêu cầu làm rõ về sự việc…/.
Toà soạn: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 08 048161 / 08 048162; Fax: 08 044175;
E-mail: toasoan@dangcongsan.vn
Giấy phép số: 373/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS Trần Doãn Tiến
Các Phó Tổng biên tập: TS Nguyễn Công Dũng (Thường trực);
TS Nguyễn Trọng Hậu; Nhà văn Đỗ Thị Thu Hiên
Ủy viên Ban biên tập: ThS Phạm Đức Thái
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Thư ký – Tòa soạn: ThS Vũ Diệu Thu