Theo Sputnik, đồng bảng Anh (GBP) đã tụt xuống mức thấp kỷ lục vào hôm 26/9, gần ngang giá với đồng bạc xanh. Ông Sergio Rossi, Giáo sư kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ tại Đại học Fribourg, Thụy Sỹ cho rằng GBP sụt giảm mạnh vì ba lý do.
“Thứ nhất, tại Anh, giá tiêu dùng vẫn tăng nhanh khiến sức mua của hộ gia đình giảm, kéo theo lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống”, ông nói. “Thứ hai, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến đồng USD trở nên ngày càng hấp dẫn hơn”.
“Thứ ba, chính sách ủng hộ những người giàu có nhất của Chính phủ [Thủ tướng Liz Truss] sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế”, ông cho biết.
Những yếu tố trên đã khiến những người tham gia thị trường tài chính quốc tế bán ra GBP để mua USD và những tài sản được định giá theo USD khác. Kết quả là, bảng Anh tụt dốc nhanh chóng.
Trong tháng 9, GBP đã liên tục giảm giá so với USD. Vào ngày 1/9, GBP tụt xuống còn 1,15 USD. Đến ngày 7/9, GBP rớt còn 1,1406 USD, mức thấp nhất kể từ 1985.
Tới ngày 23/9, đồng nội tệ của Anh lại một lần nữa rơi tự do, xuống chỉ còn bằng 1,1 USD sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng tiết lộ kế hoạch ngân sách của mình. Hôm 26/9, GBP sắp ngang giá với USD.
GBP đang ở mức thấp nhất trong rất nhiều năm.
“Theo tôi, GBP sẽ tiếp tục yếu trong ngắn hạn, và sẽ còn yếu hơn trong dài hạn, do lập trường chính sách kinh tế của chính phủ mới và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế Anh về lâu dài”, Giáo sư Sergio Rossi nói.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều khả năng sẽ không kết thúc sớm và có thể làm suy yếu thêm đồng bảng Anh trên các thị trường ngoại hối.
“Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Anh, việc bảng Anh yếu đi và giá hàng nhập khẩu tăng cao sẽ khiến lợi nhuận sụt giảm, đồng thời ảnh hưởng tới tỷ lệ việc làm trên toàn quốc”, vị Giáo sư giải thích.
“Kết quả là, tầng lớp trung lưu của Anh sẽ gặp khó khăn cả ở thị trường lao động khi thu nhập thực tế và việc làm đều giảm, và ở thị trường hàng hóa dịch vụ khi giá cả tiếp tục tăng”, ông Rossi nói.
“Tình hình trên sẽ làm trầm trọng thêm bất ổn xã hội trên toàn nước Anh, khiến chính phủ bị đe dọa và làm lung lay ghế Thủ tướng của bà Liz Truss trong tương lai không xa”, ông cảnh báo.
Kế hoạch cứu trợ táo bạo của Bộ trưởng Kwarteng vào tuần trước nhiều khả năng sẽ không giúp gì cho đồng bảng Anh. Thay vào đó, theo ông Marc Ostwald, nhà kinh tế trưởng tại ADM Investor Services International, kế hoạch của nội các bà Truss còn có thể khiến GBP rớt xuống nhiều hơn.
“[Kế hoạch trên] đồng nghĩa với cho vay nhiều hơn”, ông Ostwald nói. Chính phủ Anh kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng và không tạo gia vấn đề dài hạn.
“Tuy nhiên, thị trường đã nghi ngờ [kịch bản trên]. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) đã không đưa ra một bản báo cáo về những lợi ích và chi phí của kế hoạch cho nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn”, ông cho biết.
Kế hoạch của ông Kwarteng sẽ tiêu tốn thêm 411 tỷ bảng (446 tỷ USD) chi phí đi vay trong vòng 5 năm, theo ước tính của Resolution Foundation. Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS) và Citibank dự đoán việc cắt giảm thuế sẽ khiến tỷ lệ nợ công/GDP của Anh tăng từ khoảng 80% vào năm 2021-2022 lên gần 95% vào giai đoạn 2026-2027.
Chính sách tài khóa của Bộ Tài chính Anh sẽ khiến nợ của nước này tăng lên rất nhiều.
Chính phủ Anh hiện đang hiểu sai rằng chi tiêu có thể giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, ông Ostwald nhận định. “Nhiều người so sánh kế hoạch hiện tại với chính sách dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher. Tuy nhiên những gì mà bà Thatcher từng làm được kiểm soát và có kế hoạch rõ ràng hơn nhiều”.
Một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi là sự thiếu phối hợp giữa chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Trong khi chính phủ tăng cường vay nợ thì BoE lại nâng chi phí đi vay.
Vào ngày 15/9, Reuters từng dự đoán rằng BoE và Bộ Tài chính đang đối mặt với rủi ro “đối đầu chính sách”. Trong khi Ngân hàng trung ương cố gắng kìm hãm lạm phát, chiến lược của ông Kwarteng lại có thể đẩy giá cả lên cao hơn.
Sau khi đồng bảng Anh sụt giảm mạnh vào hôm 26/9, Thống đốc BoE Andrew Bailey lại tuyên bố ngân hàng sẽ “không do dự” nâng lãi suất khi cần. “Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) sẽ không do dự thay đổi lãi suất nhằm đưa lạm phát về mục tiêu bền vững 2% trong trung hạn”, ông nói.
Minh Quang