Hải Di Nguyễn
BBC News Tiếng Việt
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ông Đoàn Xuân Kiên cảnh báo thực trạng "lạm dụng tín ngưỡng để làm giàu" ở Việt Nam.
Gần đây, trường hợp video phóng sinh cá hải tượng long, video nhà sư chùa Ba Vàng khất thực nhận tiền, và tranh cãi giữa hai nhà sư Thích Nhật Từ và Thích Trúc Thái Minh đã dẫn tới tranh luận về Phật giáo và tập tục, truyền thống liên quan tới Phật giáo ở Việt Nam nói chung.
Ông Đoàn Xuân Kiên từ London, là nhà ngôn ngữ học và cũng nghiên cứu về Phật giáo, trao đổi với BBC Việt ngữ về chủ đề trên, ở góc nhìn Phật giáo và góc nhìn luật pháp.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chim bị nhốt trong lồng hẹp cho nhu cầu phóng sinh
Tháng Bảy Âm lịch ở Việt Nam là lễ Vu Lan và cũng là "tháng cô hồn". Ông Kiên nói, hai nét chính trong thời gian này là báo hiếu và hiếu sinh, tức là “giúp đỡ cho những sinh vật quyền được sống, và mở lượng hiếu sinh luôn cả với những hồn ma chết đói, hồn ma lang thang”.
Theo ông, ở Việt Nam có những truyền thống đẹp và đơn giản như “bông hồng cài áo” – bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và trắng cho những ai mất mẹ. Truyền thống này có từ năm 1965 và bắt nguồn từ một bài tùy bút của Thầy Thích Nhất Hạnh, “dẹp bỏ hết mọi nghi thức phiền toái và nặng nề về vật chất, hướng tới cái đẹp tâm linh, hướng tới cái đẹp của sự hiếu thảo”.
Tuy nhiên, trong tháng bảy âm lịch, những nét đẹp như hiếu sinh có thể bị lợi dụng, như phóng sinh, hoặc trở thành “mê tín dị đoan” như đốt vàng mã. “Đây là những truyền thống chúng ta không nên giữ”, ông Kiên nói.
Nguồn hình ảnh, FACEBOOK
Video khất thực của chùa Ba Vàng gây tranh cãi
Ông Đoàn Xuân Kiên cho biết “Chúng ta hiểu tinh thần của Phật giáo là diệt khổ, đoạn trừ những phiền não do cuộc đời vật chất gây ra. Nhà tu đã từ bỏ tất cả để đi tu là cho họ và cho cộng đồng Phật tử, và cộng đồng Phật tử có trách nhiệm là cúng dường… để họ có điều kiện chăm lo về mặt tâm linh cho chúng ta.”
Tuy nhiên, khi cúng dường bị lợi dụng để “góp vốn, gây vốn, và làm giàu cho nhà chùa, đó là hành động bóc lột” và “lợi dụng sự trong trắng của những người thực hành cúng dường bố thí”.
Đây là mặt trái thường thấy trong những xã hội có Phật giáo nặng về cúng dường: “những người lợi dụng Phật giáo có điều kiện leo trên đầu trên cổ người Phật tử, để làm những việc lợi ích cho mình và cho tập thể nhà chùa của mình”.
Theo ông Kiên, đây là “sự sa sút về giá trị đạo đức xã hội”, “chà đạp lên nhân phẩm những người có thành tâm”, và “phản bội Phật giáo nói riêng, phản bội tín ngưỡng của công chúng nói chung”.
Nhìn chung, theo ông Kiên, nhà chùa là nơi sống khổ hạnh. Tuy nhiên có một số nhà chùa đã “lạm dụng tín ngưỡng để tìm cách làm giàu trong những hoạt động không phải tôn giáo: các hoạt động có tính cách du lịch tâm linh, các hoạt động có tính cách giải trí hoặc thuần túy du lịch như khách sạn, nhà hàng, ăn uống ca hát… để làm vốn cho nhà chùa của mình”.
Tất cả những hoạt động này theo ông đều là “lạm dụng, lợi dụng tôn giáo”.
Để vứt bỏ vật chất và nuôi dưỡng đời sống tâm linh “đòi hỏi phải có một sự thanh cao nhất định, không thể sa đọa vào thế giới vật chất, tiền bạc”.
Trước đây nhà chùa không cần đến tiền bạc và có thể phụ thuộc vào phẩm vật cúng dường, nhưng theo ông Kiên, trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, đồng tiền “trở thành một cái thông thường trong đời sống xã hội nhưng lại là vật cản cho sự tốt lành trong đời sống tâm linh ở các tu viện”.
Lạm dụng tín ngưỡng tất nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam.
Chẳng hạn, ông Kiên cho biết, khi có nhiều du khách từ nước ngoài đến thăm chùa, “chùa Thái Lan nảy ra các hoạt động có tính cách du lịch, như thu phí cho khách đến viếng chùa, và các hoạt động có tính thương mại để gây quỹ cho chùa. Ngoài các hoạt động tâm linh, hoạt động cúng dường bố thí của các cộng đồng Phật tử xung quanh chùa, hiện nay rất nhiều chùa ở Thái Lan, nhất ở thành phố lớn, lại có nguồn thu nhập từ sinh hoạt của du khách”.
Một số chùa ở Việt Nam cũng theo xu hướng đó: “những chùa hoành tráng, xây cất quy mô, và có một hệ thống dịch vụ nặng phần du lịch thì nó nằm trong khối sinh hoạt chùa chiền nhưng chỉ có tính thương mại thuần túy, chứ không đem lại cái gì tốt đẹp cho sinh hoạt tâm linh của cộng đồng Phật tử địa phương cũng như cộng đồng Phật tử các nơi khi đến viếng chùa”.
Đó là khe hở của xã hội.
Ông Kiên cũng nói thêm, ở Việt Nam có những chùa không có sư nhưng vẫn “nguy nga đồ sộ”. Ông nói “Thế có nghĩa là thế nào? Có nghĩa là có gì đó không bình thường”.
Tuy nhiên theo ông, vấn đề của Việt Nam là không có “luật pháp theo hình thái rule of law”, tức là pháp trị. “Nếu có một sự tôn trọng luật pháp quốc gia, sẽ không có ai đứng trên luật pháp, không ai đứng trên sự giám sát các định chế của xã hội.”
Nhà chùa nên phải được “pháp luật giám sát và bảo vệ và khi không có điều đó thì có nghĩa là mất kiểm soát và không có sự đánh giá đúng sai, mà dễ dẫn tới các hoạt động có tính cách lạm dụng và lợi dụng”.
Kết lại về tập tục và sinh hoạt tôn giáo, ông Đoàn Xuân Kiên nói “Từ những điều tôi nói chung như vậy, chúng ta có thể quan sát các sinh hoạt ở nhà chùa A, nhà chùa B, nhà chùa C… khắp nơi ở đất nước Việt Nam, chúng ta có thể hiểu được đâu là hoạt động đúng đắn, đâu là hoạt động sai lạc, đi xa với tinh thần của đạo Phật”.
Một nghi lễ đẹp và ý nghĩa có thể vô cùng đơn giản và không nặng về vật chất, như lễ “bông hồng cài áo”.
© 2023 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài