Trở lại trang chủ
Ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thông tin về kết quả ngành nông nghiệp năm 2022. Theo đó, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỉ USD; thặng dư thương mại lên tới 8,5 tỉ USD.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết cơ cấu sản xuất của ngành tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 47,1 triệu tấn. Riêng sản lượng lúa đạt trên 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn.
Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn; trong đó sản lượng thịt bò, thịt lợn hơi, gia cầm, trứng, sữa đều tăng từ 3,5 – 10,2%. Tổng sản lượng thủy sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021.
“Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…”
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới. Nhờ đó, ngành có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; cà phê; gạo; cao su; rau quả; hạt điều.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2022, thành lập mới được 980 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên gần 21.000; trong đó có 65% xếp loại khá, tốt và có 1.980 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 4.180 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Văn Việt đánh giá, năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga – Ukraine…
Để đạt được những mục tiêu đề ra cho năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn… Các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cho hàng nông sản Việt Nam.
Cùng với đó, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc là thị trường quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam nên thường xuyên phối hợp các chính sách để thúc đẩy hợp tác. Trong đó, đáng chú ý nhất là mới đây ta đã ký các Nghị định thư để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch khoai lang, sầu riêng, chanh leo… sang nước này.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết việc khai mở thị trường Trung Quốc đang triển khai hiệu quả. Trong đó với sản phẩm sữa, đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với mức tăng trưởng lên tới 50%.
Ngoài ra, việc ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và hiện đã có doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Phấn đấu năm 2023 có những lô hàng đầu tiên xuất vào thị trường này.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, ông Long cho biết Cục đã phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Hai bộ ngành của hai nước sẽ ký kết, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt heo) sang Trung Quốc. Đồng thời, bộ cũng đang đàm phán để xuất khẩu thịt gà, sản phẩm chế biến…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Vì vậy, Thủ tướng đã rất quan tâm, có chỉ đạo để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
“Nhờ vậy, trong năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, bằng nhiều biện pháp nỗ lực, chỉ trong một tháng đã đạt tăng trưởng 4.100%. Tới đây, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhờ vào việc ký kết các nghị định thư”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Liên quan đến thông tin trâu, bò nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia và Lào đưa về Việt Nam có sử dụng chất tạo nạc để vỗ béo, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ tháng 5/2022, Cục Chăn nuôi đã gửi văn bản đến cơ quan thú y các nước này đề nghị thông tin về tình hình dịch bệnh, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trâu, bò.
Gần đây nhất, cuối tháng 11/2022, Cục Thú y tiếp tục thành lập đoàn sang Thái Lan đánh giá tình hình thực tế về dịch bệnh và chăn nuôi để tìm phương án giải quyết.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét gửi văn bản chính thức đến Lào, Campuchia, Thái Lan thông báo, nếu không chấm dứt được tình trạng nhập lậu trâu, bò thì ngay trong đầu năm 2023 sẽ tạm dừng nhập khẩu trâu, bò từ các quốc gia này vào Việt Nam”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến nay, Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng 3 – là cơ quan kiểm dịch cửa khẩu tại các tỉnh miền Trung không thực hiện kiểm dịch đối với trâu, bò nhập khẩu từ các quốc gia này khi chưa có văn bản hướng dẫn từ Cục Thú y và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, Cục Thú y đang phối hợp với cơ quan công an thành lập chuyên án điều tra để xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu trâu, bò.
“Sau khi có thông tin phản ánh trâu, bò nhập lậu có sử dụng chất tạo nạc trong quá trình chăn nuôi, Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu ở cơ sở nghi nhập lậu và các lò mổ tại Hà Nội để xét nghiệm, truy tìm chất cấm trên thịt trâu, thịt bò. Ngoài ra, Cục Thú y đã cung cấp 5.000 kit test nhanh cho các địa phương để giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ trâu, bò trên toàn quốc”, ông Long thông tin.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định: “Vấn đề nhập lậu trâu, bò từ Thái Lan, Lào và Campuchia đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kiên quyết”.
Trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo toàn bộ hệ thống thú y, đặc biệt là các tỉnh miền Trung phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn nhập lậu trâu, bò. Nếu không kiểm soát được vấn đề nhập lậu trâu bò, các nước xung quanh vẫn để tình trạng trâu bò chăn nuôi sử dụng chất cấm rồi bán sang Việt Nam, thì chúng ta sẽ ra lệnh dừng nhập khẩu trâu bò từ các nước láng giềng.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050