Vụ bị triệu tập sau video 'rắc hành': Chủ nhân khẳng định sẽ không gỡ video
Sau hai lần bị công an triệu tập, tiệm bán bún bò Ba Cô Gái của 'thánh rắc hành' đắt khách gấp đôi và hầu hết là những gương mặt lạ yêu cầu chủ quán diễn lại cảnh rắc hành như trong video trước đó.
Công an triệu tập Bùi Tuấn Lâm: Không phải vì video ‘thánh rắc hành’?
Đại tướng Tô Lâm 'thuộc số thực khách London cuối cùng' của Salt Bae?
Bùi Tuấn Lâm – chủ quán bún bò bị công an triệu tập hai lần sau video bắt chước 'thánh rắc muối' Salt Bae gây sốt trên mạng xã hội.
Hôm 26/11, ông Lâm nói với BBC: "Dù gặp nhiều phiền phức nhưng tôi thấy rất vui vì sau video đó, quán đông khách hơn hẳn. Đặc biệt là có nhiều người ở xa, tận quận khác cũng tranh thủ chạy xuống chỗ tôi để ủng hộ. Có những người ở Sài Gòn, Bình Dương thì không ra được thì điện thoại cho người thân ở Đà Nẵng gọi họ tới quán tôi và chụp hình lại."
'Thánh rắc hành' chia sẻ sau khi bị công an triệu tập hai lần và công an đến quán, một vài khách ở xung quanh khu vực cũng e ngại đến quán anh. Nhưng điều bất ngờ là số lượng khách lạ đến ủng hộ quán rất đông, chiếm tới 80% lượng khách.
"Nếu bình thường quán mở tới trưa mới bán hết thì bây giờ, tầm 8-9 giờ là bán sạch, không những thời gian bán ngắn đi nhiều mà lượng khách còn tăng gấp đôi. Tuy họ biết mình bị công an đến làm việc nhưng vẫn ủng hộ. Có người nói với tôi họ đi cả 20 cây số, có những khách vì công việc nên lên bến xe lúc 2 giờ sáng, xong việc tới quán lúc sáng sớm ngồi ở quán cà phê gần đó đợi quán mở cửa để vào ăn ủng hộ. Tôi nghe vậy thì rất vui và cảm động," Tuấn Lâm nói.
Nguồn hình ảnh, Bùi Tuấn Lâm
Đối với những khách hàng này, họ đến và thường yêu cầu 'thánh rắc hành' múc bún và rắc hành như trong video của anh, thay vì dùng kẹp gắp như anh thường làm.
"Họ muốn tôi lấy tay bốc hành và rắc lên tô như vậy, tôi cũng chiều khách thôi. Có người xin chụp hình chung, có người thì khi tôi múc bún xong họ kêu nhớ rắc hành nha thì tôi biết họ tới ủng hộ vì từng xem video đó. Vậy là tôi hiểu và cảm thấy rất vui vì họ đến ủng hộ tinh thần. Có người cũng nói thẳng là họ đọc tin ở báo nước ngoài đưa và không thấy tôi làm gì sai cả nên đến động viên, kêu tôi giữ tinh thần và cẩn thận."
"Hầu hết mọi người đến ủng hộ tinh thần là chính, sau đó cũng để thử xem bún bò mình nấu có ngon không và may mắn hầu hết đều khen là vừa miệng. Đó là niềm vui của tôi" chủ quán bún bò Ba Cô Gái nói.
Ông Tuấn Lâm cũng nói thêm, trong thời buổi dịch bệnh mà được ủng hộ như vậy cũng là điều đáng mừng, có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.
Nguồn hình ảnh, Bùi Tuấn Lâm
Bên cạnh bán bún bò, ông Bùi Tuấn Lâm còn tổ chức bữa ăn 0 đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ông sống
Hôm 16/11, Công an thành phố Đà Nẵng trao giấy triệu tập cho ông Bùi Tuấn Lâm, với nội dung "để làm việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xử lý nguồn tin tội phạm".
Sự việc xảy ra sau khi ông Lâm, vào ngày 10/11, đăng lên Facebook cá nhân video, trong đó ông gọi mình là "thánh rắc hành", nhại lại động tác rắc muối của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ có biệt danh Salt Bae phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở London vốn là sự việc trước đó gây ồn ào cho báo chí quốc tế.
Nguồn hình ảnh, Bùi Tuấn Lâm
Khi ông Lâm bị công an mời triệu tập, hàng loạt trang báo mạng tiếng Anh trên thế giới đưa tin vụ việc này.
Video của ông Lâm nhờ đó càng gây sốt với gần 210.000 lượt xem, 10.000 lượt yêu thích và 4.000 lượt chia sẻ.
"Có nhiều người chia sẻ rằng nhiều khi họ muốn làm những video hài hài nhưng mang tính thời sự chính trị nhưng không làm được nên họ ủng hộ tôi bằng cách đến ăn bún để cổ vũ tinh thần tôi và mong tôi cố gắng vượt qua lúc khó khăn này," ông Lâm nói.
Thịt bò ‘dát vàng’: Người Việt ‘chém gió’ đủ thứ, nhưng sợ chính trị?
VN: Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận
Ông cũng nêu quan điểm rằng: "Nhà nước Việt Nam lâu nay luôn kiềm kẹp suy nghĩ của người dân thì khi có những điều người dân cảm thấy bị o ép không dám lên tiếng thì khi có người nói đúng suy nghĩ, ưu tư của họ, thì họ thể hiện sự đồng tình bằng cách nhẹ nhàng nhất có thể. Đó là cách chọn lựa của mỗi người và tôi tôn trọng tất cả."
Một nhà quan sát từ Sài Gòn nói với BBC News Tiếng Việt rằng, hiện tượng người dân đổ đến quán của "thánh rắc hành" ăn ủng hộ sau khi công an có xu hướng làm khó dễ là biểu hiện của cuộc "bỏ phiếu bằng chân".
"Có thể ở những nước dân chủ, người ta dùng tay để bỏ phiếu và lá phiếu họ có giá trị thì ở Việt Nam, bầu cử không nằm ở lá phiếu của cử tri vì đã có phía trên sắp xếp nhân sự. Vì thế, hình thức bày tỏ chính kiến của người dân nằm ở bàn chân, khi quyết định rời bỏ một ý tưởng để hướng tới điều khác."
Nguồn hình ảnh, FB NGUYỄN BÁ PHƯƠNG
Sao kê những gửi tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình
Cũng như sự việc phúng điếu ông Lê Đình Kình sau biến cố Đồng Tâm, có khoảng 700 người đã gửi tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình với số tiền tổng cộng là gần 523 triệu VND, theo sao kê mà Vietcombank đưa ra.
"Như vậy có thể thấy, lòng dân vẫn có tiếng nói, có suy nghĩ và chính kiến riêng, chỉ là cách thể hiện của họ không trực tiếp phản kháng mà theo hướng họ thấy phù hợp với bản thân, an toàn cho gia đình và yên ổn để làm ăn," người này lý giải.
Từ hiện tượng video gây sốt của bản thân, ông Lâm đúc kết: "Có những người biết tôi gặp rắc rối sau khi video rắc hành nhưng có rất nhiều người trên mạng, người ta vẫn làm video nhại lại thánh rắc muối, thậm chí còn dữ dằn hơn. Có thể đây là cách mà mọi người lên tiếng, vượt qua sự e ngại."
Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới
"Vấn đề là sau khi bị triệu tập, tôi nhận được rất nhiều sự động viên, từ việc họ đến ăn bún, nhắn tin cho đến những hành động nhỏ như tạt ngang quán để nói chuyện, động viên vài ba câu thì tôi thấy video cũng có sự lan tỏa."
"Trường hợp video của tôi là một ví dụ cho thấy truyền thông là một yếu tố quan trọng giúp cổ động mọi người lên tiếng trước những bất công xã hội và cộng thêm rằng, yếu tố hài hước cũng giúp cho công chúng đón nhận dễ dàng hơn. Đó là một ví dụ riêng biệt cho những ai muốn lên tiếng về một vấn đề nào đó trong xã hội," ông Lâm kết luận.
© 2022 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài