Vụ bị triệu tập sau video 'rắc hành': Chủ nhân khẳng định sẽ không gỡ video
Ông Bùi Tuấn Lâm (38 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) được biết đến với cái tên 'Thánh rắc hành' vừa bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt tạm giam vào chiều tối ngày 7/9.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm nói với BBC News Tiếng Việt ngày 8/9 rằng ông Lâm bị bắt cóc ngoài đường, mất liên lạc lúc 16 giờ ngày hôm qua khi ra khỏi nhà một người anh trai.
Đà Nẵng: 'Thánh rắc hành' nói khách vào quán đông hơn sau video ồn ào
Công an triệu tập Bùi Tuấn Lâm: Không phải vì video ‘thánh rắc hành’?
Bà Lâm nói nhiều người dân xung quanh kể rằng chồng bà bị khoảng 7-8 an ninh mặc thường phục bố ráp hai đầu bắt đi.
"Anh Lâm bị bắt cóc ngoài đường, bị đưa về trụ sở sau đó mới đọc lệnh bắt tại đó. Tới khoảng 19 giờ, công an đưa anh Lâm về nhà, họ chỉ đọc cho tôi giấy khám nhà chứ không đọc lệnh bắt giữ," bà Lâm tường thuật.
Tới 20 giờ cùng ngày, báo Tuổi Trẻ, báo Pháp luật TP. HCM tường thuật ông Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Nói với BBC News Tiếng Việt sau vụ bắt giữ của chồng mình, bà Lâm cho hay vợ chồng bà đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống này.
"Gia đình hiện có ba mẹ và các anh em rất vững vàng. Tôi không bất ngờ việc chồng mình bị bắt, chỉ là cách hành xử của nhà nước quá côn đồ."
Cũng theo bà Lâm, sau vụ video 'Thánh rắc hành', công việc làm ăn của vợ chồng bà vẫn diễn ra bình thường và không bị làm khó dễ, cho tới khi cuộc bắt giữ ập đến ngày hôm qua.
"Đối với nhà nước cộng sản thì một khi đã là "phản động" thì khả năng sẽ trở thành tù nhân lương tâm bất cứ lúc nào. Mọi việc anh Lâm làm, tiếng nói của anh Lâm chỉ là tiếng nói của lương tri, mong muốn những điều tốt đẹp cho xã hội,"
"Một nhà nước hành xử vô pháp côn đồ thì lý do không còn quan trọng nữa," bà Lâm bộc bạch.
Ông Bùi Tuấn Lâm trước giờ được biết đến là người có tiếng nói phản biện trên mạng xã hội. Đến tháng 11/2021, ông Bùi Tuấn Lâm được truyền thông trong và ngoài nước chú ý vì video nhại lại động tác đầu bếp có biệt danh Salt Bae phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới
Vụ việc càng 'gây bão' khi ông bị công an triệu tập vì video này và hàng loạt báo mạng tiếng Anh trên thế giới đưa tin vụ bắt giữ. Reuters là hãng tin quốc tế đầu tiên, vào ngày 17/11/2021, đưa tin ông Bùi Tuấn Lâm bị công an triệu tập.
Ngay lập tức, hàng loạt báo tiếng Anh, từ The Guardian, Daily Mail, South China Morning Post, đã đăng lại tin của Reuters.
Ngày 18/11/2021, trang BBC News Tiếng Anh cũng đưa tin với nội dung như sau: "Công an Việt Nam đã triệu tập một người đàn ông sau khi anh ta diễu nhại đầu bếp bít tết người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, có biệt danh Salt Bae."
Thời điểm đó, ông Bùi Tuấn Lâm cũng khẳng định với BBC News Tiếng Việt rằng ông sẽ không gỡ video rắc hành vì "video này có gì sai đâu mà gỡ".
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật: "Theo Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng, Bùi Tuấn Lâm là thành viên của một số tổ chức mà thực chất là các hội, nhóm chống Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong và ngoài nước, các tổ chức phản động. Bị can này tham gia các phái đoàn do những người chống đối chính trị lập ra, tham gia các khóa huấn luyện về "đấu tranh bất bạo động"…
Tờ Pháp Luật Online viết: "Ông Lâm từng tham gia khóa huấn luyện về "xã hội dân sự", "đấu tranh bất bạo động"; thường xuyên tham gia các buổi thảo luận về học thuyết xã hội nhằm đào tạo lực lượng hình thành xã hội dân sự; tham gia chống đối chính trị viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết hoạt động kích động biểu tình gây rối…
Cũng theo cơ quan điều tra, từ năm 2018 đến nay, Bùi Tuấn Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước…
VN: Về kiến nghị bỏ các điều 109, 117 và 331 Bộ Luật hình sự VN
Chính quyền Việt Nam đột nhiên bắt bà Nguyễn Thúy Hạnh
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị công an Hà Nội bắt
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 8/9, luật sư Lê Quốc Quân nhận xét rằng gần đây, rất nhiều nhà hoạt động gần đây bị bắt theo điều 117 – BLHS năm 2015. Ông Quân lý giải:
"Điều này là một chiếc lưới vét, bao trùm rất rộng tất cả các khái niệm và hành vi mà nhà nước coi là "chống", bao gồm từ sản xuất đến tuyên truyền và chúng độc lập với nhau. Cụ thể cả "Làm, tàng trữ, phát tán" hoặc "tuyên truyền" vậy là nó đã bao gồm cả các hành vi của Điều 88 – BLHS 1999 trước đây.
"Về khách thể bảo vệ của nó thì bất cứ khi nào mà nhà nước cho rằng: các hành vi đó "gây nghi ngờ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước hoặc xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, hoặc chế độ XHCN" thì đều là nguy hiểm, đều là chống lại nhà nước dù cho hành vi đó có đúng sự thật hay không," luật sư Quân phân tích.
Cũng theo ông, những khái niệm như "sự vững mạnh của chính quyền hoặc chế độ XHCN" là hết sức mơ hồ vì thực chất Nhà nước cũng thừa nhận chưa có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Bùi Tuấn Lâm
Còn về cách và trình tự bắt giữ ông Bùi Tuấn Lâm, luật sư Lê Quốc Quân dẫn Khoản 2 Điều 109 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015:
"Bắt người có nhiều dạng như bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam… Trong trường hợp anh Bùi Tuấn Lâm là khởi tố và bắt bị can để tạm giam."
"Theo đó Luật quy định phải có đầy đủ trình tự thủ tục như: đọc lệnh bắt; giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Đặc biệt Khoản 2 Điều 113 quy định "Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến", ông Quân nói.
Từ luật định, ông Quân đặt câu hỏi rằng, tại sao lại phải bắt cóc giữa đường và mặc thường phục mà không có đại diện chính quyền địa phương, không có gia đình hoặc người chứng kiến. Trong khi đó, ông Bùi Tuấn Lâm có địa chỉ thường trú rõ ràng, hành vi bị cáo buộc cũng là những điều đã xảy ra từ rất lâu, có thể nói từ 2013 đến 2018.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên.
Việt Nam đồng loạt khởi tố, bắt giam và xử nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhà báo nổi tiếng với các mức án được đánh giá là nặng nề bằng điều 88 BLHS 1999 cũ, nay là điều luật 117 BLHS 2015.
Bên cạnh những người đã bị tuyên án, các nhà hoạt động như ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt ngày 5/7/2022, ông Trần Văn Bang bị bắt ngày 1/3/2022 và bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt ngày 7/4/2021 đều bị khởi tố, bắt giam vì điều 117 này.
Ngày 14/12/2021, trước phiên xét xử của ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: "Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này."
Hồi tháng 1/2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật là điều 109, 117 và 331 trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xem thêm bài của Mattea Bubalo trên trang BBC News về vụ bắt ông Bùi Tuấn Lâm: Viral noodle seller arrested over Salt Bae parody
© 2022 BBC. BBC không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài. Tìm hiểu cách chúng tôi tiếp cận việc dẫn tới trang ngoài