Trở lại trang chủ
Trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô vừa công bố, VnDirect kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong Q3/22 và sẽ chậm dần từ Q4/22 do cầu thế giới yếu và hiệu ứng mở cửa sau Covid-19 nhạt dần. Theo đó, dự báo GDP có thể tăng 5,6% (+/- 0,5 điểm) trong Q4/22, nâng mức tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9% (+/- 0,2 điểm %).
Trong năm 2023, kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,9% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,1% và dịch vụ tăng 7,3%.
Ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế gồm: Du lịch, Đầu tư công và Dịch chuyển năng lượng bền vững.
Động lực thứ nhất, du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ. Kể từ ngày 15/02/2022, Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế và khôi phục chính sách thị thực như trước đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 đã có 484.400 lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ. Trong 10 tháng 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn giảm 83,7% so với năm 2019 (trước dịch Covid-19).
Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến phòng chống Covid-19, tuy nhiên yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi của du lịch Việt Nam là chính sách Zero-Covid của Trung Quốc khi mà việc đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.
Trước Covid-19, lượng du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019. Với việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đi lại kể từ 12/2022 và kỳ vọng lượng khách du lịch đến Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á tiếp tục phục hồi tích cực trong năm 2023, Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tăng khoảng 195% so với mức dự kiến năm 2022, đạt 55% của năm 2019 (trước Covid-19).
Các hoạt động được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, hoạt động vận tải và hoạt động vui chơi giải trí.
Động lực thứ hai là Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Để đạt được kế hoạch đầy tham vọng này, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 tăng lên 4,5% so với cùng kỳ (mục tiêu năm 2022 là 4,0%) và dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2023 là 4,5%, từ 4% của năm 2022.
Một yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Giá thép xây dựng trong nước giảm 19,7% so với mức đỉnh (-10,6% svck) và giảm 6,7% so với cuối năm 2021. Giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới do nhu cầu yếu.
Giá vật liệu xây dựng giảm có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Do đó, vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20-25% so với số thực tế năm 2022. Các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2023 bao gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, Sân bay quốc tế Long Thành.
Động lực thứ ba là chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững. Việt Nam sẽ tiếp bước Indonesia và Nam Phi nhận gói tài trợ biến đổi khí hậu trị giá ít nhất 11 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào than đá và thúc đẩy triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.
Được dẫn dắt bởi Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, thỏa thuận tài trợ này nhằm mục đích công bố “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” tại hội nghị thượng đỉnh EUASEAN vào ngày 14 tháng 12 sắp tới. Khoảng 5 – 7 tỷ USD sẽ đến từ các khoản vay và trợ cấp của khu vực công, và phần còn lại từ các nguồn tư nhân.
Gói tài trợ của Việt Nam là gói thứ ba trong một loạt các thỏa thuận lớn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình phụ thuộc nhiều vào than đá đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
VnDirect cũng dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 200 điểm cơ bản trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các NHTM có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Trong năm 2023, kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022. Tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022. Do đó, kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 30 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050